Kiểm kê, thống kê đất đai tại TP. HCM: Cần phương thức “đặt hàng”

| 13-09-2019, 09:20 | Chính sách

Công tác kiểm kê, thống kê đất đai luôn được TP.HCM quan tâm thực hiện, góp phần đánh giá hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và cả thời kỳ, từ đó, phân bổ hợp lý nguồn lực đất đai trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

TPHCM đang tập trung thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.



Điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện



Năm 2018, kết quả thống kê đất đai trên địa bàn TP.HCM được thực hiện theo mục đích sử dụng đất và theo các đối tượng sử dụng đất. Kết quả thống kê cho thấy, diện tích tự nhiên của TP.HCM là 209.539 ha, chia thành 3 nhóm đất chính: nhóm đất nông nghiệp có diện tích 114.007 ha, chiếm 54,41%; nhóm đất phi nông nghiệp có diện tích 94.604 ha, chiếm 45,15%; nhóm đất chưa sử dụng có diện tích 927,4 ha, chiếm 0,44%. Tổng diện tích đất theo đối tượng sử dụng là 162.270 ha, chiếm 77,46% so với tổng diện tích tự nhiên của toàn thành phố; diện tích đất theo đối tượng được giao để quản lý là 47.234 ha, chiếm 22,54% so với tổng diện tích tự nhiên của toàn thành phố.



Công tác thống kê đất đai năm 2018 của TP.HCM được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chi tiết từng khoanh đất trên nền bản đồ kết quả điều tra kiểm kê đất đai năm 2014 đã được cập nhật biến động qua các năm 2015, 2016, 2017 của 322 phường, xã, thị trấn cho thấy dữ liệu bản đồ luôn được điều tra, cập nhật biến động. Số liệu về diện tích đất của đợt thống kê này phản ánh đúng thực trạng về mục đích, đối tượng quản lý, sử dụng đất của thành phố. Số liệu này có thể sử dụng chung, thống nhất cho các ban, ngành thành phố.



Thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1762/QĐ-BTNMT ngày 14/7/2019 của Bộ TN&MT về kế hoạch, phương án kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, đến nay, Sở TN&MT đã trình UBND TP.HCM dự thảo Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này.



Từ năm 2019, công tác kiểm kê, thống kê đất đai được triển khai theo Thông tư số 27 của Bộ TN&MT. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám, Sở TN&MT TP.HCM, Thông tư 27 đã kế thừa căn bản những nội dung của Thông tư 28; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới. Đặc biệt, Thông tư 27 đã làm rõ hơn, cụ thể hơn nhiều nội dung trước đây các địa phương phải gọi điện ra Bộ TN&MT để tham khảo ý kiến khi tiến hành công việc kiểm kê, thống kê đất đai.



Cần tiếp tục thực hiện phương thức đặt hàng



Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, từ năm 2018 trở về trước, phương thức kiểm kê, thống kê đất đai, đo đạc bản đồ thực hiện theo Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố được quyền chủ động lựa chọn các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu thực hiện các dịch vụ này.



Vì vậy, UBND TP.HCM đã giao cho Sở TN&MT được chủ động thực hiện phương thức giao kế hoạch cho các đơn vị trực thuộc và đặt hàng các đơn vị có đủ năng lực. Cho nên, công tác kiểm kê đất đai năm 2014, thống kê đất đai các năm từ 2015 - 2018 đều đảm bảo tiến độ và chất lượng.



Tuy vậy, từ năm 2019, thực hiện theo Nghị định Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, các hoạt động dịch vụ quản lý đất đai và đo đạc bản đồ phải thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Sở TN&MT.



Trong đó, đối với phương thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Sở TN&MT, với công tác kiểm kê đất đai, các đơn vị này sẽ không đủ nhân lực và phương tiện để đảm bảo khối lượng công việc lớn, dẫn đến chậm trễ. Nếu thực hiện phương thức đấu thầu, sẽ không đảm bảo thời gian theo các quy định của Luật Đấu thầu, bởi phải cần ít nhất 3 tháng mới tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, thời gian để hoàn thành kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 không còn bao lâu, đến ngày 16/1/2020 phải báo cáo kết quả cấp xã.



Mặt khác, về nguyên tắc, đấu thầu phải có vốn, trong khi việc bố trí vốn ngân sách thường chậm. Còn thực hiện theo phương thức đặt hàng, Sở TN&MT chỉ cần lựa chọn những đơn vị có đủ năng lực, ký hợp đồng nguyên tắc để các đơn vị này tự bỏ kinh phí để triển khai ngay công việc, khi bố trí được vốn rồi mới ký hợp đồng chính thức và trả một phần kinh phí, bao giờ khối lượng công việc hoàn thành đạt chất lượng mới giải ngân kinh phí còn lại.



“Thiết nghĩ, công tác kiểm kê, thống kê là điều tra cơ bản, thuộc loại hình chi thường xuyên nên cần được thực hiện theo phương thức đặt hàng” - bà Nhàn kiến nghị.



DiaOcOnline.vn – Theo TN&MT

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm