Gói hỗ trợ tài chính đủ "cứu" thị trường địa ốc qua khó khăn?
Nguyễn Thanh Thuý | 27-04-2020, 03:12 | Thị trường 24h
Thị trường bất động sản hiện nay cần nhất việc khơi thông chính sách để triển khai dự án
Trận đại dịch COVID-19 vừa qua đã làm cho các doanh nghiệp vốn đã khó lại càng thêm khó khi hầu như các hoạt động triển khai thi công, mở bán hàng đều phải dừng lại, trong khi chi phí đầu tư, vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị nợ xấu, doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động là những khoản chi cố định cần phải thanh toán đã làm cho nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thanh khoản vì mọi nguồn thu, lợi nhuận gần như bằng không.
Gói hỗ trợ từ Chính phủ cho doanh nghiệp bất động sản được Bộ Tài chính đề xuất đã được thông qua là một trong những cơ hội để các doanh nghiệp địa ốc vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Liệu đã đủ để cứu thị trường qua cơn khó khăn?
Trao đổi vấn đề này Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội đã có những đề xuất hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua khó khăn với những điểm đáng chú ý như gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, đề xuất Chính phủ và ngân hàng nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại giãn tiến độ trả nợ vay, không chuyển qua nhóm nợ xấu với khoản vay của các doanh nghiệp bất động sản.
Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dự án có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất thương mại dịch vụ, nông nghiệp… để tạo điều kiện cho thị trường phục hồi.
Thực tế cho thấy thị trường bất động sản đã tồn tại những khó khăn từ cách đây 2 năm do những vướng mắc về thủ tục pháp lý khi triển khai dự án, buộc các chủ đầu tư phải dừng để chờ hướng xử lý, chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì thế thị trường gần như không có dự án mới triển khai, trong khi chi phí để phát triển một dự án bất động sản là không hề nhỏ khi doanh nghiệp phải trả lãi vay ngân hàng, chi phí vận hành doanh nghiệp, nuôi nhân sự công ty…
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước cho biết: “Các doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng vào Chính phủ, các bộ ngành liên quan đang nghiên cứu rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, thẩm định dự án… Đây được xem là giải pháp rất tốt cho các doanh nghiệp để vực dậy sau dịch bệnh vì thực chất trong nhiều năm qua thủ tục hành chính là một gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp và cản trở phát triển kinh tế”.
Theo nhìn nhận của Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc Chính phủ ban hành chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch COVID-19 cho thấy Chính phủ đã có những động thái quyết liệt và thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp và bất động sản sẽ hưởng lợi.
Cùng với những chỉ đạo quyết liệt từ nhà nước, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng từ các bộ ngành trung ương và địa phương sẽ là những tín hiệu tích cực cho thấy thị trường sẽ sớm vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp bất động sản cần làm gì trong lúc này?
Trong một phát biểu chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh COVID-19 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: "Chống dịch như chống giặc”. Áp với mỗi doanh nghiệp hiện nay, hãy xem doanh nghiệp như một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế để nêu cao tinh thần chiến đấu và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
"Dịch bệnh hiện tại đã cơ bản được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu hoạt động trở lại, vấn đề của các doanh nghiệp địa ốc lúc này là nhanh chóng triển khai các hoạt động kinh doanh", CEO một công ty địa ốc nói.
"Giai đoạn dịch bệnh và những khó khăn vừa qua cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp dừng lại và nhìn nhận toàn diện về doanh nghiệp mình, những điểm mạnh nào cần được phát huy, những yếu kém cần phải được sửa chữa khắc phục để có thể tiếp tục tồn tại trong thị trường, chúng ta cũng đừng quá kỳ vọng vào những gói hỗ trợ, hay đưa ra quá nhiều yêu sách khi bản thân doanh nghiệp đang tồn tại quá nhiều bệnh và yếu kém", ông Nguyễn Tám, Giám đốc công ty HM Landco chỉ rõ.
Trao đổi về tái hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh, nhiều CEO bất động sản lạc quan vào thị trường và các gói hỗ trợ từ Chính phủ, đa phần đều có chung nhận định: Dịch bệnh vừa qua được kiểm soát tốt tại Việt Nam, thế giới cũng đã có những đánh giá rất tích cực và đây là một trong những điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự dịch chuyển sản xuất từ các nhà máy lớn qua Việt Nam vì môi trường an toàn, và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn kéo dài là cơ hội không nhỏ cho thị trường bất động sản công nghiệp và các phân khúc khác phát triển trong thời gian tới.
“Mặc dù các ngân hàng vẫn còn đang dè dặt cho doanh nghiệp bất động sản vay, nhưng không phải là vấn đề lớn cản trở hoạt động, thực tế doanh nghiệp đã có những dự trù cho nguồn vốn phát triển dự án từ trước khi dịch bệnh, do vậy vấn đề hiện nay là chúng tôi cần phải nhanh chóng triển khai tiếp tục hạ tầng, hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện triển khai cho các sàn liên kết phân phối”, ông Lương Trung Kiên, Giám đốc Cedland chia sẻ.
Đánh giá về việc gói hỗ trợ tài chính có thể khó tiếp cận các doanh nghiệp địa ốc, sẽ hạn chế thị trường và doanh nghiệp kinh doanh, ông Vũ Tâm - Công ty BĐS VIP cho biết, thị trường bất động sản hiện nay cần nhất là việc khơi thông chính sách hơn các gói hỗ trợ tài chính.
"Nếu hành lang pháp lý minh bạch, có quy chuẩn rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp địa ốc giảm bớt thủ tục hành chính triển khai dự án, qua đó giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và cũng là căn cứ để tính giá nhà, đất hợp lý cho người mua, tạo được thanh khoản cho thị trường. Đây mới là những hỗ trợ bền vững cho các doanh nghiệp địa ốc”, ông Tâm bày tỏ quan điểm.
Tâm Định Hướng
Xem thêm tổng hợp các tin tức mới nhất về BĐS & Covid-19 TẠI ĐÂY
Link bài viết gốc https://diendanbatdongsan.vn/vi/tin-tuc/goi-ho-tro-tai-chinh-du-cuu-thi-truong-dia-oc-qua-kho-khan