Ngày 18/02/2020, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho biết trong các lĩnh vực, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất do sự chồng chéo của luật. Hiện có khoảng 10 loại luật “vây” doanh nghiệp như Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư… Điều đáng nói, doanh nghiệp tuân thủ đúng luật này thì lại sai luật khác.
Ông Hiệp đưa minh chứng điển hình là một dự án có quy mô 50ha tại Phú Thọ của GP.Invest bắt đầu làm từ năm 2008, trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành, 5 đời chủ tịch địa phương tại Phú Thọ mà đến nay vẫn chưa triển khai được. Trong khi vốn tài chính đã rót vào dự án là khoảng 90 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự chậm trễ đến từ những mâu thuẫn chồng chéo của Luật Đất đai. Dự án gặp khó trong giải phóng mặt bằng, đến nay một số hộ dân vẫn không chấp nhận giá đền bù.
Theo Luật Đất đai, hệ số đền bù do cấp tỉnh quy định. Do đó, hệ số này ở mỗi tỉnh là khác nhau. Tại Phú Thọ, hệ số đền bù là 1 nên người dân chỉ nhận được 150.000 đồng/m2. Trong khi, Thái Nguyên có mức đền bù cao gấp 4 lần, Bắc Giang cao gấp 6 lần. GP Invest không thể tự ý tăng giá đền bù bởi tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định. Bất cập này khiến dự án không thể triển khai dù đã kéo dài 12 năm, gây tổn thất, lãng phí lớn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất do sự chồng chéo của luật.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho biết không chỉ Luật Đất đai mà nhiều luật khác cũng bất cập. Đơn cử, Luật Nhà ở quy định người nước ngoài được quyền sở hữu 30% căn hộ trong một tòa nhà. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản chỉ rõ các sản phẩm dự án nhà ở đều phải liên quan đến quyền sử dụng đất. Trái ngược ở chỗ Luật Đất đai lại không cho phép người nước ngoài được sở hữu đất. Ông Hiệp nhấn mạnh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật khiến các doanh nghiệp bất động sản rất đau đầu và khó khăn khi ứng dụng thực tế. Do đó, theo ông Hiệp cần phải sửa luật dựa trên việc tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn nhưng không giải quyết, xử lý được trong quá trình hoạt động.
Đồng quan điểm, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC cũng cho biết sự chồng chéo, thiếu đồng bộ của luật đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt rất nhiều thách thức. Khi luật chưa được khơi thông thì các dự án bất động sản cũng chưa được khơi thông. Bà Dung cho biết, 2 năm gần đây, các địa phương đều ngại vấn đề phê duyệt dự án. Những tỉnh giao đất cho doanh nghiệp rất ít, kéo theo số lượng dự án được phê duyệt ít, cơ hội đầu tư phát triển kinh tế địa phương bị hạn chế.
Bà Dung nhấn mạnh pháp lý, nguồn vốn và thủ tục hành chính đang là điểm nghẽn của thị trường bất động sản. Riêng về vấn đề thủ tục hành chính thì khi tuân thủ và thực hiện bài bản về thủ tục để xây dựng dự án, doanh nghiệp phải mất 2 năm. Khoảng thời gian này là dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong phát triển dự án cũng như bỏ lỡ các cơ hội đầu tư.
Về thủ tục cấp phép xây dựng, một dự án dù đã có phê duyệt quy hoạch 1/500 và có thẩm định thiết kế thi công nhưng quá trình triển khai chủ đầu tư vẫn phải xin cấp phép từng hạng mục một, cả những hạng mục đơn giản nhất. Với những dự án có tính chất quần thể, quy mô lên đến hàng trăm, hàng ngàn hecta thì quá trình hoàn thiện đầy đủ thủ tục mất đến vài năm.
Bà Dung kiến nghị đối với các quần thể dự án đã được quy hoạch tổng thể, chi tiết cụ thể thì với việc xin cấp phép nên cắt giảm thời gian, chi phí hoàn thiện thủ tục đầu tư để dự án sớm được triển khai. Nếu các thủ tục vẫn rườm rà, nhiêu khê tức là doanh nghiệp vẫn gặp khó thì sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản trong tương lai.