Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu vừa mới được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý cho xây thủy cung nằm trong khu vực dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu của công ty này.
Để triển khai dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu, những ngày qua chủ đầu tư dự án là Công ty CP du lịch cáp treo Vũng Tàu đã bắt đầu quy hoạch khu đất rộng gần 7ha. Để thực hiện kế hoạch lấn biển đoạn đường Trần Phú, TP. Vũng Tàu, sáng 10/10, đơn vị này đã cho hàng loạt xe tải tấp nập chở vật liệu san lấp đổ xuống biển.
Tổng thể dự án lấn biển qua bản phối cảnh. Ảnh: Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu. |
Theo quy hoạch được duyệt, dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD (tương đương hơn 1.100 tỷ đồng) sẽ là khu du lịch, văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng với khả năng phục vụ tới 3.000-5.000 người/ngày. Dự án được chia làm 2 khu, trong đó khu A sẽ triển khai một khách sạn quy mô 5 sao với chiều cao 22 tầng, gồm nhà dịch vụ - nhà hàng, bến tàu, đường nội bộ - bãi xe và cây xanh, khu thể thao biển, tượng nghệ thuật và các công trình phụ trợ; khu B sẽ xây dựng khu thể thao biển - bãi tắm, thủy cung, khu hồ tắm nhân tạo, cây xanh, bãi đậu xe... Theo dự kiến, đến năm 2023 dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành.
Quy hoạch khu du lịch Bãi Trước, chi tiết 1/500 đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt vào tháng 12/1998 với tổng diện tích là 22ha, trong đó có 10ha mặt nước ở khu vực Hòn Ngưu để xây dựng khu du lịch, bao gồm cả khu thủy cung.
Hình ảnh xe tải đang chở vật liệu lấp biển để phục vụ cho việc xây dựng thủy cung. Ảnh: Nguyễn Khoa. |
Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với hơn 67.000m2 đất vào năm 2003 với mục đích sử dụng là đất mặt nước chuyên dùng. UBND tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê đất trong thời hạn 50 năm để đầu tư xây dựng cáp treo Vũng Tàu.
Quyết định điều chỉnh thay thế cho quyết định năm 1998 đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt hồi giữa năm 2018, theo đó đồng ý cho doanh nghiệp được phép xây dựng thủy cung Hòn Ngưu. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được tỉnh này thông qua vào đầu năm 2019 và Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng cách đây 2 tháng.
Thông tin từ ông Mai Trung Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, hiện chủ đầu tư dự án đang tiến hành san lấp mặt bằng khoảng 200m lấn từ bờ ra biển.
Đồng thời, lãnh đạo Sở cũng khẳng định tính pháp lý của dự án đã đầy đủ và do nằm ở vị trí rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến cảnh quan của khu vực Bãi Trước nên quá trình thẩm định công trình được các đơn vị làm rất kỹ lưỡng.
Dự án được phép lấn từ bờ kè đường Trần Phú, TP. Vũng Tàu ra biển khoảng 200m. Ảnh: Nguyễn Khoa. |
Ông Hưng nói thêm: "Quá trình xem xét về quy hoạch đã tham vấn rất nhiều phía. Việc xây dựng công trình đương nhiên sẽ có tác động này, tác động kia, các khía cạnh đã cân nhắc giữa cái được và mất".
Đánh giá về dự án, vị Phó Giám đốc Sở cho rằng TP. Vũng Tàu sẽ có một công trình phục vụ cho cộng đồng, du lịch xứng tầm trong tương lai gần. Từ năm 1998, tỉnh đã xem xét đến việc này và đã đề ra chứ không phải do phía nhà đầu tư xin phép. Ông nói: "Tôi thấy dự án này chẳng mất gì. Sản phẩm này được tạo ra từ việc khai thác không gian biển, phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt".
Còn ông Đậu Thế Anh - Tổng giám đốc Công ty CP du lịch cáp treo Vũng Tàu cho biết, di tích Bạch Dinh nằm gần khu vực quy hoạch xây dựng thủy cung sẽ không hề bị ảnh hưởng. Đồng thời, sự lưu thông của dòng chảy trên biển cũng không hề bị ảnh hưởng bởi việc san lấp khoảng 3ha diện tích mặt biển. Vị này nói: "Tôi theo dõi, lắng nghe và sẵn sàng giải thích đối với các ý kiến trái chiều".