7 kiểu thiết kế mặt tiền giúp nhà ống luôn thoáng mát

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 11-09-2019, 11:17 | Ngoại thất

Mặt tiền hai lớp

Kết cấu cũng như tên gọi, mặt tiền hai lớp gồm có 2 lớp vách liền kề nhau. Thông thường lớp trong cùng chắc chắn sẽ là lớp kính để cản bụi, cản tiếng ồn từ bên ngoài vào nhà. Còn lớp mặt tiền đầu tiên thì đa dạng về chất liệu và thiết kế hơn, có thể là gạch hoa gió, lam chắn, khung sắt….

Kiểu mặt tiền này đặc biệt phù hợp với nhà ống mặt phố vì tính linh hoạt trong lấy sáng, lại giải quyết triệt để mối lo về ô nhiễm âm thanh và tiếng ồn đô thị.

The Lee House là một căn nhà ống mặt phố tiêu chuẩn. Nguồn sáng từ hai bên nhà hoàn toàn không có khi các nhà xây kề sát nhau. Giải pháp duy nhất là lấy sáng mặt tiền

Mặt tiền ngôi nhà gồm 2 lớp. Lớp ngoài là vách gỗ với thiết kế ô sáng nhỏ nghệ thuật để ánh sáng xuyên qua, lớp trong là vách kính dày

Khi đóng vách gỗ, lượng sáng vào nhà được điều chỉnh vừa phải

Còn nếu muốn lượng sáng nhiều hơn thì chỉ cần mở hết vách gỗ, vách kính

L1 House là mẫu nhà ống trong ngõ. Để lấy sáng, ngôi nhà này cũng chọn mặt tiền hai lớp

Lớp mặt tiền bên ngoài được làm từ gạch hoa gió, lớp trong là kính dày

Sở dĩ chọn gạch hoa gió vì kiến trúc ngôi nhà thiên về chất thô mộc, cá tính

Nguồn sáng dồi dào, gia chủ còn thiết kế bục cây xanh ngay vị trí phòng khách để tạo cảm giác thoáng đãng

Mặt tiền tổ ong

Mặt tiền tổ ong khác với những kiểu mặt tiền lấy sáng khác. Bởi thiết kế những ô lấy sáng không phủ khắp mặt tiền mà chỉ tập trung và những khu vực gia chủ và kiến trúc sư muốn. Nó phù hợp với nhu cầu muốn riêng tư nhưng vẫn đảm bảo lượng sáng vào nhà của gia chủ.

Ngôi nhà 33m2 nổi bật với mặt tiền tổ ong

Ô lấy sáng tổ ong chủ yếu tập trung ở phòng khách, không gian sinh hoạt chung. Đi kèm với nó còn có 1 lớp kính dày bên trong để cản bụi vào nhà

Khác với ngôi nhà 33m2 bên trên, mặt tiền tổ ong của 3x10 House lại gồm những ô lấy sáng tổ ong nhỏ xíu, ghép lại trên vách kim loại

Mật độ ô lấy sáng dày giúp ngôi nhà lấy được lượng sáng dồi dào, đồng thời cũng cản lại ánh mắt tò mò của người qua đường. Đúng với ý muốn của gia chủ về một không gian sống riêng tư

Kiểu mặt tiền này sẽ phù hợp với mẫu nhà ống có chiều sâu lớn, đủ diện tích để tạo một khoảng đệm mặt tiền thông thoáng ngay trước nhà

Mặt tiền hoa gió

Gạch hoa gió vốn là một vật liệu phổ biến trong kiến trúc Việt từ xưa đến nay. Nếu trước đây nó chỉ là vật liệu phổ thông, dùng nhiều cho tường rào thì ngày nay lại được các kiến trúc sư sáng tạo, áp dụng đa dạng hơn.

Cũng vì lẽ đó mà mặt tiền hoa gió được người dùng ưa chuộng, áp dụng để lấy sáng cho nhà mình.

Gia chủ Anh’s House chọn mặt tiền hoa gió làm giải pháp lấy sáng cho nhà mình

Thoạt nhìn ai cũng nghĩ chỉ có một lớp gạch hoa gió nhưng thật ra kiến trúc sư còn lắp thêm một lớp lưới chống côn trùng. Phải đến tận nơi, ta mới có thể thấy rõ lớp lưới này

Phía trong nhà, ở khu vực phòng khách còn được bố trí thêm bậc cấp để bày biện cây xanh tạo nên chất thơ, độ thoáng đãng

Hài hòa từ thiết kế mặt tiền, ánh sáng, cây xanh và cách bài trí gợi lên cảm giác thư giãn cho không gian

Trường hợp của nhà Hoa Gió không chỉ là nhà ống trong ngõ mà còn có mặt tiền hướng chính Tây

Vậy nên ngoài lớp gạch hoa gió của mặt tiền, kiến trúc sư còn tạo thêm một khoảng đêm cây, rèm 2 lớp để cản nhiệt để không gian thoáng đãng, dễ chịu

Mặt tiền lam chắn

Vai trò của lam chắn khi được áp dụng vào mặt tiền là để bao bọc và bảo vệ công trình, giúp ngôi nhà lấy sáng tự nhiên nhưng vẫn kiểm soát được lượng ánh nắng vào nhà phù hợp. Lam chắn đa dạng về kích thước, thiết kế cũng như chất liệu, tùy nhu cầu gia chủ và phong cách thiết kế của ngôi nhà sẽ có mẫu lam chắn tương ứng.

Căn nhà 82m2 áp dụng lam chắn để lấy sáng và cản nhiệt do mặt tiền nhà hướng Tây. Hệ lam chắn ở vị trí phòng ngủ dày đặc hơn để đảm bảo tính riêng tư

Nhu cầu ánh sáng trong phòng khách lớn nên gia chủ chỉ thiết kế một phần lam chắn, còn lại là khung kính lớn

Mặt tiền kính

Thoạt nghe tên, không ít người thắc mắc liệu mặt tiền bằng kính có đủ tính riêng tư, đủ vững chắc và điều hòa lượng ánh sáng vào nhà? Câu trả lời là “Có”.

Kính được dùng ở đây không phải là kính bình thường mà là gạch kính. Loại vật liệu này có những ưu điểm vượt trội mà những chất liệu kính khác không bì được, ví dụ cản nhiệt và cách âm tốt; đa dạng mẫu mã và rất dễ vệ sinh; chất liệu kính mờ đem lại tính riêng tư cần thiết…

Gia chủ ngôi nhà 35m2 ở Sài Gòn mạnh dạn chọn mặt tiền kính cho không gian phòng ngủ

Những mảng kính “mờ đục” làm dịu đi nhiệt, cái gay gắt trực tiếp từ ánh sáng mặt trời

Ngoài kính, Glass House còn áp dụng thêm cây leo để tạo điểm nhấn cho mặt tiền của mình

Không hoàn toàn là một vách kính, 18 House chọn mặt tiền với những ô kính lớn để lấy sáng cho ngôi nhà vỏn vẹn 18m2

Mặt tiền xéo

Có những ngôi nhà vì mặt tiền hướng Tây mà khó lấy sáng hay vị trí góc khuất, bị che lấp nguồn sáng, vậy thì mặt tiền xéo sẽ là giải pháp hoàn hảo. Đặc điểm của kiểu mặt tiền này là thiết kế lệch, lấy ánh sáng từ góc chứ không phải trực diện nên nếu gia chủ ưa không gian có tính riêng tư cao cũng sẽ thích mặt tiền xéo.

Đặc điểm khu đất góc cạnh nên Paper House có thiết kế mặt tiền xéo để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên

Theo đó, ánh sáng vẫn vào nhà nhưng không gian bên trong được khéo léo che đi bởi những bức tường có thiết kế độc đáo

3.5x9.9 House với thiết kế mặt tiền độc đáo để lấy sáng vào nhà

Không gian sinh hoạt nhờ thế mà thoáng đãng, cũng không kém phần riêng tư

Mặt tiền giàn cây leo

Với ai yêu thích cây xanh, yêu thích không gian dịu mát thì mặt tiền với giàn cây leo chính là sự lựa chọn hàng đầu. Thông thường sẽ là khung kim loại bao bọc lấy mặt tiền để làm giàn cho cây leo lên. Kiểu mặt tiền này sẽ mất thời gian đợi cây leo phát triển nên khi mới khi công xong, chắc hẳn chưa thể đạt hiệu quả như gia chủ mong muốn, cần kiên nhẫn.

Nhà cửa xếp với mặt tiền từ giàn cây leo, cây hoa đan xen

Kiến trúc sư tạo một khoảng đệm mặt tiền để chăm sóc giàn cây, trước khi đi vào không gian sinh hoạt

Vách kính linh hoạt để bảo vệ không gian bên trong

7 kiểu thiết kế mặt tiền giúp nhà ống luôn thoáng mát

Với Breathing House, cây xanh không chỉ ở mặt tiền mà giống như một “bộ giáp xanh” bao bọc lấy toàn thể ngôi nhà

Khung cảnh thiên nhiên bao trùm toàn bộ không gian sinh hoạt ngôi nhà này tạo nên những góc nghỉ rất thơ

Mỗi kiểu mặt tiền đều có thiết kế và ưu điểm riêng. Do đó, không thể đánh giá kiểu mặt tiền nào tốt hơn kiểu mặt tiền nào, tùy nhu cầu gia chủ mà có cách ứng dụng tương ứng. Gia chủ không nên chọn theo cảm tính mà phải có sự tính toán sao cho phù hợp với đặc điểm khu đất, thiết kế của ngôi nhà… tốt nhất là có sự tham khảo ý kiến từ kiến trúc sư để chọn được một mặt tiền hoàn hảo cho tổ ấm của mình.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm