“Siết” quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng

| 4-05-2024, 15:54 | Thị trường 24h

Kiểm soát hóa đơn mua bán vàng

Hiện nay, trong giao dịch mua bán vàng của người dân tại các cửa hàng kinh doanh vẫn còn tình trạng sử dụng biên lai viết tay do chủ tiệm in sẵn hoặc người mua không lấy hóa đơn dẫn tới việc khó khăn trong quản lý thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 01/07/2022 hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử. Từ ngày 15/12/2022 ngành Thuế đã chính thức triển khai giải pháp hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

“Siết” quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng

Mua bán vàng vẫn sử dụng giấy viết tay. (Ảnh minh họa)


Theo số liệu của Tổng cục Thuế, sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tổng cục Thuế nhấn mạnh, theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua.

Đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ có doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép kinh doanh và doanh nghiệp sẽ được kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo Tổng cục Thuế, đối với 2 lĩnh vực này thì cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực gia công vàng bạc có một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân, không lấy hóa đơn dẫn đến việc khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch.

Kiến nghị bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt

Tại Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 2/5, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

(Ảnh minh họa)


Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hoá đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.

Cụ thể, rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền – đây là giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế áp dụng riêng cho lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Khuyến khích người tiêu dùng  lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ thông qua chương trình hoá đơn may mắn của ngành Thuế.

Phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hoá đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, qua đó tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người mua.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này, ngoài các giải pháp của ngành thuế nêu trên, đại diện Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Ngành Thuế cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Cơ quan ban ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tổ chức việc giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Vào tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thuế có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế tiếp tục thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở Cơ quan thuế theo quy định, trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định, trong đó tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn theo đúng quy định và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, trang sức, mỹ nghệ. Qua công tác quản lý thuế kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế VAT.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đề nghị các cục Thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như Công an, Quản lý thị trường, Ngân hàng, Hải quan… để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

Trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu có phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.


Thanh Phương
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm