Mới có 6 dự án nhà ở xã hội được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

| 23-02-2024, 07:18 | Thị trường 24h

Tại Hội nghị triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng tổ chức, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đó góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình.

Mới có 6 dự án nhà ở xã hội được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.


Về thực tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ (trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn). 

Các địa phương có nhiều dự án đã khởi công là Bắc Ninh 15 dự án, Đồng Nai 8 dự án, Hải Phòng 7 dự án…

Về tình hình triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết hiện nay đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025”, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định và thông tin dự kiến giai đoạn 2021-2025 cả nước sẽ làm 428.000 căn hộ (trong số hơn 1 triệu căn đến năm 2030).

Tuy nhiên theo ông Nghị, hiện vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội như: Nhiều địa phương chậm triển khai theo kế hoạch, thậm chí có nơi chưa có dự án được khởi công mới; Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…

Hội nghị về triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.


Thông tin cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến ngày 5/2/2024, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031ha so với năm 2020 là 3.359ha.

Ông Sinh cho hay, có nhiều địa phương đã tích cực thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: Bắc Ninh có 15 dự án với 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án với 12.400 căn; Hải Phòng 7 dự án với 11.600 căn; Bình Dương 7 dự án với 6.500 căn; Đồng Nai 8 dự án với 9.000 căn; Bình dương 7 dự án với 6.500 căn; Thanh Hóa 9 dự án với 4.900 căn...

“Tuy nhiên hiện vẫn còn một vài địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư chưa đạt kỳ vọng so với mục tiêu của đề án đến năm 2025. Đơn cử như Hà Nội có 3 dự án với 1.700 căn, Tp.HCM có 7 dự án với 4.996 căn, Đà Nẵng có 5 dự án với 2.750,” ông Sinh nói.

Thậm chí một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An...

Về vấn đề gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, vấn đề tiền đâu để làm hết sức quan trọng. Hiện nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân  “vô cùng chậm, nằm im tại chỗ”.

Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội ta là chăm lo cho người dân và hiện thực hoá chế định Hiến pháp mọi công dân đều có quyền về nhà ở.

“Chính sách 1 triệu căn nhà xã hội chỉ là thí điểm ban đầu, vì vậy cần phải xử lý được các tồn tại, vướng mắc để hình thành một cơ chế, chính sách căn cơ, toàn diện để phục vụ cho nhiệm vụ lớn sau này là đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở cho mọi người dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp về các vướng mắc hiện nay, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan cùng vào cuộc sát sao để tháo gỡ triển khai ngay.

Trước mắt là cụ thể hoá các chính sách vừa được Quốc hội thông qua trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai … để triển khai trên thực tế. Chính phủ sẽ ban hành một số Nghị định để triển khai các luật.

Về vấn đề tài chính làm nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đồng tình có nguồn tài chính ổn định, nhà nước đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào đây. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ là khởi đầu, chúng ta cần phải có ngân sách, nguồn tài khoá bù vào gói ưu đãi,...”.


An Tú
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm