Hoàn Kiếm - Quận thu ngân sách nhiều nhất Hà Nội sáp nhập thế nào?

| 3-08-2023, 07:49 | Thị trường 24h

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa cho biết, 176 xã của Hà Nội cũng thuộc diện phải sáp nhập từ nay đến 2025 trong đó có quận Hoàn Kiếm.

Theo kết quả rà soát sơ bộ bước đầu, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thuộc diện phải sắp xếp, do quận chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoàn Kiếm - Quận thu ngân sách nhiều nhất Hà Nội sáp nhập thế nào?

Theo kết quả rà soát, quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên là 5,347km2 (quy định đối với quận là 35 km2), quy mô dân số là 212.921 người (quy định 150.000 người).

Đối chiếu theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, tại Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính quy định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp:

Cụ thể, có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề. Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào. Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quận Hoàn Kiếm được thành lập năm 1961 là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của thành phố Hà Nội, tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ quan trọng, đồng thời là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Quận cũng là địa phương hội tụ nhiều công trình di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, thu hút du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm.

Đó là Quần thể di tích Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, Chợ Đồng Xuân... và đình thờ các ông tổ nghề như đình Lò Rèn, đình Hàng Giấy...

Đáng chú ý, kinh tế quận Hoàn Kiếm luôn được duy trì khá. Thu ngân sách tăng cao. Năm 2021, thu ngân sách ước đạt 14.008 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ, đạt 156% dự toán thành phố giao và đạt cao nhất từ trước đến nay.

Đến năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 14.732 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, bằng 105,2% so với năm 2021 và cao nhất trong các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2023, quận Hoàn Kiếm đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách, tăng cường chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt chỉ tiêu thành phố giao ít nhất 5%, hướng đến hoàn thành Kế hoạch thu ngân sách 5 năm 2021-2025. Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Khi có thông tin về vấn đề sắp xếp quận Hoàn Kiếm, nhiều ý kiến phản đối vấn đề này.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu. Việc sắp xếp phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương; có cân nhắc đến các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.


Hà Linh
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm