Đông Nam bộ xây thêm nhiều khu công nghiệp thu hút đầu tư

| 21-07-2023, 20:45 | Khu công nghiệp / Thị trường 24h

Nửa đầu năm 2023, Việt Nam đón nhận hàng loạt chuyến thăm của các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tại Đông Nam bộ, nhiều phái đoàn doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đã đến tìm hiểu đầu tư tại các địa phương như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.  

Một tín hiệu đáng mừng cho các tỉnh thành phía Nam là rất nhiều dự án đã mở rộng đầu tư vào Tp.HCM và Bình Dương. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm của một số địa phương tăng mạnh so với cùng kỳ. Điển hình như Tp.HCM thu hút 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đông Nam bộ xây thêm nhiều khu công nghiệp thu hút đầu tư

Nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM đã rục rịch xây thêm loạt khu công nghiệp mới để lót ổ chào đón các đại bàng Âu, Mỹ dừng chân. Ảnh minh họa.


Nhưng phân tích các số liệu cho thấy, vốn FDI tăng chủ yếu nhờ việc góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Số dự án cấp phép mới không nhiều do quỹ đất công nghiệp tại các địa phương bị thu hẹp đáng kể. 

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại các tỉnh Đông Nam bộ, nhưng không tìm được quỹ đất đủ lớn để xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất.  Để khắc phục tình trạng trên, nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM đang dồn dập chuẩn bị xây thêm các khu công nghiệp mới để đón nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc. 

Mới đây nhất, ngày 7/7, Khu công nghệ cao Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chính thức khởi công. Đây là khu công nghệ cao đầu tiên của tỉnh, với diện tích 410 ha, cách sân bay Long Thành 10 km và nằm cạnh đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Sau khi Khu công nghệ cao Long Thành được khởi công, tỉnh Đồng Nai đang gấp rút kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận triển khai đầu tư 3 KCN mới, gồm Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành) và Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), với tổng diện tích gần 6.500 ha để kịp đón đầu làn sóng đầu tư khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào vận hành. 

Bắt kịp làn sóng đầu tư, thủ phủ công nghiệp Bình Dương cũng vừa thông qua Đồ án quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (VSIP 3 - giai đoạn 2), diện tích hơn 800 ha và Khu công nghiệp Cây Trường 700 ha hồi đầu tháng 7/2023. Sau khi quy hoạch được thông qua, Bình Dương sẽ bắt tay khởi công xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để sớm đón nhà đầu tư.

Theo định hướng thu hút đầu tư, KCN VSIP 3 và Cây Trường sẽ ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, gắn với khu trung tâm dịch vụ.

Ngoài các KCN xây mới, dự kiến cuối năm nay, Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) sẽ khởi công Dự án Cụm công nghiệp Tam Lập 2 (Bình Dương), với diện tích 180 ha, theo mô hình cụm công nghiệp “Net Zero”. Cụm công nghiệp này sẽ thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc. 

Tại Tp.HCM, ngay sau khi Chính phủ đồng ý bổ sung KCN Phạm Văn Hai 1 (379 ha) và KCN Phạm Văn Hai 2 (289 ha) vào quy hoạch, Thành phố đã bắt tay chuẩn bị làm các thủ tục chọn nhà đầu tư để tiến hành xây dựng. 

Dự kiến KCN Phạm Văn Hai 1 và 2 sẽ hướng đến những dự án đầu tư trong các ngành công nghệ cao như robot công nghiệp, cơ khí chính xác, điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông… 

Hy vọng rằng, với việc dồn dập đầu tư các KCN mới tại Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM, trong thời gian ngắn sắp tới, vùng Đông Nam bộ sẽ chào đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, tạo nên làn sóng mới cho nền kinh tế khu vực. 


Hoài Thương
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm