Người có nhu cầu mua nhà ở vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng

| 15-05-2023, 10:00 | Thị trường 24h

 Lãi suất đang ở mức 12 - 14%/năm

Khảo sát nhanh từ một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại của PV cho thấy, hiện nay, lãi suất cho vay đang ở mức 12% - 14%/năm là phổ biến. Ví như tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), nhân viên tư vấn tên Liên cho biết: “Lãi suất cho vay của ngân hàng theo gói ưu đãi cố định 1 năm ở mức 13 – 14%/năm, tuỳ theo hổ sơ và năng lực trả nợ của khách hàng.

Hay tại Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Long nhân viên tư vấn cho hay: “Mức lãi suất ưu đãi trong 1 năm đầu là 12%, sang năm thứ 2, lãi suất rơi vào khoảng 13,5%/năm”. Tương tư, Hiền nhân viên tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: “Hiện nay, lãi suất cho vay đang ở mức 13%/năm, khá thấp so với một số ngân hàng khác đang cho vay ở mức 15-16%/năm trên thị trường".

Người có nhu cầu mua nhà ở vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng

Lãi suất của Techcombank đang cho vay mua nhà là 13%/năm.


Bà Nguyễn Thị Huệ, ngụ quận 12, Tp.HCM cho biết: “Hiện nay việc tìm đến tiếp cận vốn vay ngân hàng để mua nhà là rất khó khăn với những người như chúng tôi. Bởi, việc chứng minh thu nhập thường rất khó khi các ngân hàng yêu cầu lương phải chuyển khoản hoặc mức lương không đủ hoặc các nguồn thu nhập không qua chuyển khoản là nguyên nhân quan trọng. Còn ở một số ngân hàng xét duyệt hồ sơ dễ thì lãi suất lại quá cao, ở mức 14 – 15%/năm, chúng tôi không thể trả nổi, nên việc mua nhà ở đã khó nay càng thêm khó hơn”.

Theo ghi nhận của PV, một số ngân hàng đang có mức cho vay ưu đãi trong 1, 2 năm đầu của gói vay. Như tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho vay ưu đãi năm đầu tiên là 11%, 2 năm đầu là 12%, từ năm thứ 3 là 13%/năm. Tuy nhiên, để xét được điều kiện vay với lãi suất ưu đãi, người vay cần phải chứng minh được thu nhập và lịch sử tín dụng của khách hàng tốt.

Việc mua nhà ở đã khó nay càng thêm khó hơn đối với nhiều người có nhu cầu.


Thực tế, một số ngân hàng cho biết, để có được mức lãi suất ưu đãi khách hàng phải có lương hoặc các nguồn cố định chuyển khoản qua ngân hàng, đây gần như là điều bắt buộc để chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ. Thứ hai, phải có tài sản thế chấp và xem xét hồ sơ của khách hàng có đáp ứng để vay được hay không.

Tiếp tục trông chờ hạ lãi suất cho vay

Nếu so với lãi suất cho vay trước đây, dao động trong khoảng 7 – 11%/năm thì hiện mức lãi suất đang ở mức khá cao, khiến người có nhu cầu nhà ở khó tiếp cận được nguồn vốn. Từ đây, khiến lượng tiêu thụ bất động sản nhà ở/đất nền cũng giảm rất nhiều cùng với các lý do khác từ thị trường.

Thực tế, theo Báo cáo thị trường nhà ở Tp.HCM và vùng phụ cận của Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA) cho thấy, trong quý 1/2023, lượng tiêu thụ ghi nhận ở mức thấp so với quý 1/2022. Như ở phân khúc đất nền, lượng tiêu thụ mới đạt 78 nền, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu thụ mới ở phân khúc căn hộ đạt khoảng 864 căn, tương đương 63% nguồn cung mở bán mới và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung và lượng tiêu thụ bất động sản đều giảm (DKRA).


Tình trạng này sẽ tiếp tục trong quý 2/2023 dù có “những thông tin chính sách được tháo gỡ, động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giúp sức cầu chung hồi phục, nhưng sẽ khó đột biến trong ngắn hạn”, DKRA nhận định.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, từ đó, các tổ chức tín dụng cũng đã giảm lãi suất huy động bình quân 1% đến 1,2% và lãi suất cho vay chung trên cả hệ thống khoảng 0,5% đến 0,65%. Trong đó, các ngân hàng thương mại có mức giảm nhiều hơn, với lãi suất huy động giảm từ 1% đến 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5% đến 2%.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Trong điều hành, NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt, chủ động vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, ổn định lãi suất…. Trong đó, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp”.    


Thanh Tùng
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm