Tp.HCM: “Đỏ mắt” tìm người thuê mặt bằng

| 19-02-2023, 08:39 | Thị trường 24h

2 năm không tìm được khách thuê

Mặt bằng nằm tại góc ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) sau 2 năm treo biển cho thuê vẫn chưa có chủ mới. Mặt bằng này rộng 1.000 m2 nằm ở vị trí đắc địa với giá thuê đang được chào mời là 420 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, suốt cả thời gian dài vẫn không có khách “chốt”. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra với nhiều mặt bằng khác tại Tp.HCM.

Tp.HCM: “Đỏ mắt” tìm người thuê mặt bằng

Nhiều mặt bằng lớn có vị trí đắc địa tại Tp.HCM suốt thời gian dài không tìm được khách thuê.


Bà Lan, chủ một mặt bằng cho thuê trên đường Phạm Hồng Thái (quận 1) cho biết, bà đang cho thuê căn nhà mặt tiền, diện tích 160 m2 với giá 250 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, bà vẫn không thể cho thuê.

“Tôi sẵn sàng chi cho môi giới 250 triệu đồng nếu tìm được khách thuê nhưng họ vẫn không thể tìm được khách. Đây là mức giá cho thuê đã được giảm 20% so với năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19”, bà Lan nói.

Còn ông Thắng, chủ một mặt bằng trên đường Trương Định, quận 3 chia sẻ, ông cũng đang tìm người để cho thuê căn nhà diện tích 68 m2, diện tích sàn 300 m2 với giá 95 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, suốt 4 tháng qua vẫn không có người thuê. Nếu trong tháng 2/2023 chưa tìm được người thuê thì gia đình ông buộc phải giảm giá thuê thêm 10%. Mức giá này chỉ bằng 70% so với năm 2019.

Thị trường mặt bằng cho thuê khá "ảm đạm". Ảnh: Đại Việt


Trao đổi với Tài chính Doanh nghiệp, nhiều môi giới bất động sản tại khu vực trung tâm Tp.HCM cho hay, việc tìm khách thuê mặt bằng chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Một mặt bằng đẹp, giá cả phải chăng cũng phải mất 3 – 4 tháng mới tìm được khách thuê. Riêng với những mặt bằng diện tích lớn, giá thuê cao thì có thể phải mất từ 6 – 12 tháng mới tìm được khách thuê, thậm chí có những mặt bằng 2 năm vẫn chưa có khách thuê.

Cũng theo các môi giới, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của cả thị trường. Mặt bằng cho thuê bán lẻ hay làm văn phòng cũng đều khó tìm khách thuê.

Văn phòng cho thuê trầm lắng

Theo nghiên cứu của CBRE, bắt đầu từ quý 4/2022, thị trường văn phòng bắt đầu cảm nhận sự ảnh hưởng từ các khó khăn của kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ diện tích cho thuê mới bắt đầu chậm lại, từ 44.000 m2 trong quý 3 xuống chỉ còn 8.000 m2 trong quý 4. Điều này dẫn đến tổng diện tích cho thuê mới của năm 2022 chỉ đạt 75.000 m2, bằng 69% giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2019).

CBRE dự đoán nguồn cầu của thị trường văn phòng sẽ trầm lắng trong 6 tháng đầu năm 2023 khi mà doanh thu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế. Đa số khách thuê sẽ có xu hướng tạm hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng mới/hoặc mở rộng, mà thay vào đó là tiến hành ký gia hạn hợp đồng thuê ngắn hạn.

Trong năm 2023, thị trường sẽ có thêm khoảng hơn 200.000 m2 sàn với 2 dự án hạng A đầu tiên tại Thủ Thiêm và 1 dự án có chứng chỉ WELL (chứng nhận cho các tòa nhà có không gian chu đáo giúp nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của con người) đầu tiên tại Tp.HCM.

CBRE đánh giá, với nguồn cung tương lai dồi dào cùng viễn cảnh khó khăn của nền kinh tế, giá thuê văn phòng hạng A được dự báo là sẽ giảm xuống khoảng 4% trong năm 2023 và tỷ lệ trống có thể lên tới 21,5%.

Ở chiều hướng ngược lại, văn phòng hạng B sẽ hoạt động ổn định với giá thuê dao động xung quanh mức hiện tại và tỷ lệ trống tuy có thể tăng trong năm 2023 nhưng sẽ sớm được cải thiện trong năm 2024 nhờ vào nguồn cung hạn chế.

Trao đổi về xu hướng của các toà nhà văn phòng trong năm tới, bà Thanh Phạm – Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết, năm 2023, Tp.HCM sẽ có thêm ít nhất 4 toà nhà văn phòng mới có chứng chỉ xanh. Đối với chủ đầu tư, việc lên chiến lược phát triển bền vững và có một kế hoạch cụ thể để đạt được các chứng chỉ phù hợp gần như đóng vai trò tiên quyết trong việc thu hút các khách thuê lớn, có tên tuổi. Nhu cầu thuê mặt bằng xanh, toà nhà xanh sẽ ngày càng tăng rõ rệt trong thời gian tới.

Cũng theo bà Thanh Phạm, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm tiếp tục bị hạn chế, tiến độ xây dựng của các dự án tương lai đều chậm trễ, như Centennial (Sun Tower), IFC One (Saigon One) và One Central (The Spirit of Saigon). Do đó, ngày ra mắt của các dự án này dự kiến sẽ bị trì hoãn cho đến cuối năm 2024-2025 hoặc xa hơn nữa. Chính vì vậy mà nguồn cung mới sẽ bị hạn chế, các nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm nhiều không gian hơn ở các khu vực ngoài trung tâm để ra mắt các cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ mở tạm thời) trong khi tiếp tục tìm kiếm các vị trí đắc địa.


Đại Việt
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm