5 bước để vượt qua khủng hoảng tài chính

| 5-05-2022, 11:05 | Kiến thức

Hàng tuần, nhóm chúng tôi gặp gỡ nhiều người trên khắp Ontario đang vướng phải những vấn đề tài chính. Chúng tôi nghe những câu chuyện “người thật việc thật” về những khó khăn trong việc duy trì và cân đối tài chính khi phải sống với mức lương ba cọc ba đồng. Đây là những câu chuyện phổ biến mà công ty dịch vụ tài chính Tifia đã lắng nghe từ khách hàng:

  • Tôi không vay được tiền với lãi suất hợp lý để mua ô tô;
  • Tôi không mua được nhà vì chưa tích đủ khoản trả trước;
  • Tôi không còn tăng ca nên không đáp ứng nổi các khoản chi tiêu của mình nữa;
  • Tôi không còn việc làm, không thanh toán được các hóa đơn và có nguy cơ mất nhà.

 

Có nhiều người theo diện “chia sẻ công việc”, họ làm việc hai hoặc ba ngày một tuần và nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian nghỉ việc.

Cũng có những người gánh vác hai và ba công việc cùng lúc để mưu sinh.

Vào năm 2020, tôi đã tâm sự với nhiều người gặp khủng hoảng tài chính vì lý do cách ly sau khi COVID-19 bùng nổ.

Trong nhiều năm liền, chúng ta đã sử dụng căn nhà của mình thay máy ATM. Chúng ta tích nợ theo thẻ tín dụng, rồi thế chấp lại căn nhà của mình để trả nợ. Có một cặp vợ chồng nọ đã thực hiện việc này đến năm lần trong năm năm. Đến lần cuối cùng thì họ bị bên ngân hàng từ chối. Thu nhập của họ bị giảm đi, căn nhà cũng đã được thế chấp toàn bộ, và họ không còn khả năng để tái cấp vốn và trả những khoản nợ thẻ tín dụng với lãi suất cao.

Vì vậy, làm thế nào có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế? Dưới đây là năm lời khuyên hàng đầu mà chính tôi đã áp dụng:

Giảm các khoản nợ

Đây là điều thiết yếu. Nếu đang nợ, bạn mất đi sự kiểm soát: khi nợ đồng nghĩa là các chủ nợ đang kiểm soát bạn. Bạn nên làm mọi cách để giảm các khoản nợ của mình càng sớm càng tốt. 

Nếu bạn đang phải trả các khoản thế chấp lớn, trả tiền mua xe, hoặc dùng thẻ tín dụng mỗi tháng và bỗng dưng mất việc làm, bạn sẽ nhanh chóng đối diện với việc thiếu tiền và có nguy cơ mất cả nhà lẫn xe.

Nếu khi mất việc mà không có nợ nần gì thì mối lo duy nhất của bạn là tìm một công việc khác. Bạn sẽ không phải lo các khoản thanh toán hoặc lo mất nhà, mất xe nữa. Không có nợ, bạn có thể vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính dễ dàng hơn.

Học cách sống mà không dùng đến tín dụng

Đây là một trong những điều khá là khó. Nếu bạn dưới 40 tuổi, rất có thể bạn đã sử dụng thẻ tín dụng trong suốt cuộc đời. Khả năng cao là bạn chưa bao giờ trả tiền mặt để mua ô tô và có thể bạn cho việc chi trả trước 5% cho một ngôi nhà mới là điều hết sức bình thường.

Và đây sẽ là một thách thức: hãy tâm sự với bố mẹ hoặc ông bà để hỏi họ xem khi còn trẻ họ có thẻ tín dụng hay không. Khả năng họ sẽ nói với bạn là không, họ đã trả tiền mặt cho mọi thứ, kể cả xe và nhà cửa. Điều đó đồng nghĩa là họ không mua một chiếc ô tô mới ba năm một lần, và họ sống trong một căn nhà nhỏ gọn, nhưng cũng không phải trả bất kỳ khoản nợ nào.

Sống không có tín dụng có nghĩa là lập ngân sách và lên kế hoạch cho những thứ bạn muốn mua, và rồi tiết kiệm tiền để thực hiện nó. Đó là sẽ là một sự thay đổi mạnh đối với chúng ta, những người quen với việc mua ngay bây giờ và trả sau, nhưng các khoản phải chi trước đây để trả lãi suất tính về lâu dài thì đáng để được tiết kiệm ngay từ bây giờ.

Đơn giản hóa cuộc sống

Kết quả có lợi từ đại dịch năm 2020 là giảm chi tiêu cho nhiều hộ gia đình. Mặc dù ảnh hưởng xấu đến các chủ doanh nghiệp nhỏ, nhiều người đã ngừng đến nhà hàng và bắt đầu tự nấu ăn. Làm việc tại nhà cũng tiết kiệm được tiền do ít sử dụng xăng để đi lại, dùng ít quần áo hơn và tự chuẩn bị bữa trưa ở nhà thay vì mua đồ ăn bán sẵn. Thậm chí chúng ta còn học cách pha cà phê bằng bình thay vì mua cốc từ Starbucks.

Nói cách khác, ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống của chúng ta chậm lại và trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Về lâu dài, có thể áp dụng được việc bao nhiêu sự thay đổi theo kiểu sống kiểu này?

Sống không có tín dụng nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống của bạn, sẽ rút gọn chi tiêu như chúng ta đã từng sống trong đại dịch.

Làm thế nào để thực hiện được điều này?

Xem lại từng mục chi tiêu hàng tháng và tự hỏi bản thân: "Mình có thực sự cần chi không?" Ví dụ:

  • Mình có đang trả tiền cho 3 gói dịch vụ trực tuyến nào mà không bao giờ dùng đến hoặc sẽ sắp ngừng dùng?
  • Sẽ tốt về mặt tài chính hơn không nếu bán nhà và đi thuê? Căn nhà của mình có thể không đẹp bằng, nhưng sẽ không phải lo về các khoản thanh toán thế chấp, thuế bất động sản, sửa chữa và bảo trì, hoặc khi thị trường bất động sản sụp đổ.
  • Mình có cần thay mới ô tô ba năm một lần, hay chỉ dùng một chiếc ô tô đã qua sử dụng rẻ hơn để đi làm?
  • Hoặc là: mình có thực sự cần xe hơi không? Mình sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu sử dụng các phương tiện công cộng, đi bộ, đi xe đạp, thuê xe hoặc đi taxi khi cần thiết?

Nếu chúng ta có thể học được cách sống với ít chi phí hơn, cuộc sống của chúng ta sẽ ít căng thẳng hơn và chúng ta sẽ đỡ phải lo về các khoản nợ hơn.

Bắt tay vào thực hiện Kế hoạch B

Có thể thế giới của mình vẫn chưa thay đổi, nhưng thế giới xung quanh đã thay đổi và cuối cùng thế giới của mình cũng buộc phải thay đổi theo.

Bạn sẽ làm gì nếu bị giảm biên chế hoặc cắt giảm giờ lao động? Liệu bạn có nhận được hợp đồng thuê xe khác khi hợp đồng thuê hiện tại của bạn hết hạn không? Phải làm gì nếu không bán được căn nhà của mình với giá nhiều hơn số tiền nợ thế chấp? Điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế sụp đổ?

Mặc dù đây không phải là những điều dễ chịu khi nghĩ đến, quan trọng là phải bắt đầu nghĩ về chúng và bắt đầu lập “Kế hoạch B”. Bạn cần một kế hoạch cho những điều sau:

  • Nếu bị mất việc thì sẽ làm việc ở đâu? Luôn chuẩn bị sẵn một bản hồ sơ được cập nhật và luôn lắng nghe những cơ hội khác để nắm bắt.
  • Cân nhắc bắt đầu kinh doanh tại nhà ngoài giờ làm việc. Nếu có một sở thích nào đó có thể biến thành một công việc kinh doanh, hãy coi đó là nguồn thu nhập thứ hai.
  • Cân nhắc kiếm một công việc bán thời gian nếu số giờ làm việc bị giảm. Bằng cách đó, nếu mất công việc chính của mình, ít nhất bạn vẫn còn thu nhập.

Giảm chi tiêu

Hàng tháng, tôi gặp cả chục người bị mất việc, hôn nhân tan vỡ, hoặc thậm chí các vấn đề về y tế buộc họ phải cắt giảm chi phí sinh hoạt để tồn tại. Đây là mẹo cuối cùng:

Đừng đợi đến nước cùng: hãy cắt giảm chi phí của bạn ngay bây giờ. Dùng vốn dư để trả nợ hoặc để tích lũy một khoản tiết kiệm.

Hãy suy nghĩ về việc này: Nếu bạn kiếm được 2.000 đô mỗi tháng và bạn phải trả 2.000 đô mỗi tháng để sống, thì bạn không còn vốn cho những sai lầm. Nếu có thể giảm chi phí của mình xuống 1.800 đô mỗi tháng, bạn sẽ có thêm khả năng để xoay sở; bỏ lỡ một ngày làm việc sẽ không gây hại nhiều đến ngân sách chi tiêu hàng tháng. Dưới đây là một số chiến lược dễ thực hiện để cắt giảm chi phí:

  • Cắt giảm dịch vụ cơ bản trên truyền hình cáp của bạn (đằng nào minh cũng không xem hết các kênh đó) hoặc chuyển hẳn sang Netflix hoặc CraveTV;
  • Hủy các yếu tố không cần thiết trong gói dịch vụ điện thoại gia đình;
  • Tự pha cafe. Tuy đây là một việc khó, vì người Canada đều nghiện cà phê, nên hãy thử cách này: rút máy pha cà phê mà bạn đã được tặng lúc cưới và mua một hộp cà phê xay từ quán cà phê yêu thích của bạn; sau đó, trước khi đi ngủ, hãy đổ đầy máy pha cà phê. Khi thức giấc vào buổi sáng việc còn lại chỉ là nhấn nút. Và từ bây giờ bạn có thể uống cà phê nhiều gấp đôi chỉ với một nửa giá!
  • Kết hợp các điểm đến trên một hành trình; làm tất cả những việc cần làm trong cùng một chuyến đi để tiết kiệm xăng;
  • Cân nhắc áp dụng những thay đổi lớn vào cuộc sống, như chuyển nhà đến gần nơi làm việc để có thể đi bộ hoặc dùng phương tiện công cộng.

Đây là điểm mấu chốt: thế giới đã thay đổi, nhưng mình vẫn làm chủ cuộc sống của mình. Mình có thể tự quyết định số phận, vì vậy hãy lập kế hoạch giảm nợ, sử dụng tín dụng ít hơn và lập kế hoạch cho tương lai.

Từ khoá :
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm