Giải mã cơn sốt biệt thự Hà Nội: Có căn 800 tỷ, khách có tiền cũng không mua được

| 27-12-2021, 16:44 | Thị trường 24h

Tại Vinhomes Green Bay, có những căn biệt thự ven hồ được giới đầu tư rỉ tai nhau giá đã lên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là những lô hàng độc chủ cũ không bán, khách có tiền cũng không mua được.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội cũng như vùng ven đang chứng kiến màn “lên đồng” của nhiều phân khúc. Đặc biệt là biệt thự, liền kề, chủ yếu là những dự án đã sử dụng. Trong đó, tăng giá mạnh nhất phải kể tới biệt thự tại khu đô thị Vinhomes Green Bay. Khu đô thị này nằm tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Giá biệt thự tăng 3-4 lần

Cách đây hơn 4 năm, những căn biệt thự Vinhomes Green Bay được chủ đầu tư bán mới giá hơn 100 triệu đồng/m2. Đến nay, mức giá những căn này đã chạm ngưỡng 400-500 triệu đồng/m2. Cụ thể, giá một căn biệt thự song lập khoảng 150m2 tăng giá 3-4 lần. Căn này tăng từ 18 tỷ lên tới 60 tỷ đồng. 

Kỷ lục, có những căn biệt thự ven hồ tại đây giới đầu tư rỉ tai nhau giá lên tới 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là những lô hàng độc. Chủ cũ nhất quyết không bán ra nên khách có tiền cũng không thể mua được.  

Giải mã cơn sốt biệt thự Hà Nội: Có căn 800 tỷ, khách có tiền cũng không mua được
Giá biệt thự đang tăng cao chóng mặt, nhiều khách có tiền cũng không mua được

Không riêng gì Vinhomes Green Bay, nhiều dự án biệt thự của Vinhomes cũng tăng giá chóng mặt. Anh T. – giám đốc của một sàn bất động sản lớn tại Hà Nội có nhiều chia sẻ. Anh T. kể lại, năm 2019 anh có mua một căn biệt thự tại Vinhomes The Harmony. Căn này rộng 200m, được anh mua với giá 14 tỷ.

Hiện tại, anh T. cho biết căn cũ của anh đang giao dịch với giá gần 50 tỷ đồng. Làm môi giới bất động sản 20 năm, anh T. có mơ cũng không bao giờ nghĩ tới mức giá này. 

Có thể thấy, phân khúc biệt thự tại Hà Nội đang “sốt nóng”. Nhiều căn giá tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 chỉ sau 1-2 năm. Các căn tăng lên 4-5 lần sau 3-4 năm ngắn ngủi. Điều này chứng tỏ, dòng tiền của các nhà đầu tư đang ưa chuộng phân khúc tầng thấp. Trong bối cảnh dòng tiền đổ vào bất động sản, phân khúc biệt thự vẫn rất mạnh dù nguy cơ lạm phát tăng cao.  

Tuy nhiên, hiện giá tại nhiều khu vực tăng đến mức giật mình. Điều này khiến nhiều người lo ngại, không dám “xuống tiền”. Không ít người còn lo sợ về đợt chững giá có thể kéo dài trong vài năm tới. Họ lo ngại là có lý do. Bởi trước đó, chỉ trong vài năm trở lại phân khúc thấp tầng không ít lần chứng kiến những cú đúp giá tăng chóng mặt.  

Biệt thự vùng ven cũng lên cơn sốt

Biệt thự Hà Nội “sốt” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên gần đây, những khu biệt thự vùng ven như Hưng Yên, Vĩnh Phúc cũng tăng phi mã. Không ít dự án chưa mở bán đã cháy hàng. Nhiều nhà đầu tư đăng ký trước nhiều tháng cũng phải ngậm ngùi trắng tay.  

Có thể kể đến biệt thự Ecopark (Hưng Yên). Những căn nơi đây ghi nhận kỷ lục giá chưa từng thấy trong lịch sử. Cách đây 3 năm, sản phẩm biệt thự đảo cọ ở Ecopark có giá 20 tỷ đồng/căn. Khi đó, mức giá này bị nhiều người than trời là quá cao. Thế nhưng hiện tại, giá mỗi căn đã tăng 50-60 tỷ đồng, tức là cao gấp 3 lần. Nhiều người có tiền muốn mua cũng chẳng được. 

Biệt thự vùng ven cũng lên cơn sốt

Hiện tại, số lượng biệt thự và shophouse mới tại Ecopark ra hàng kiểu nhỏ giọt. Có tiền khách cũng không thể mua bởi số hàng này đã bị gom buôn hết. Để mua được một căn, chủ đầu tư phải đặt tiền cọc trước cả năm trời mới đợi đến lượt.

Không riêng gì Ecopark, gần đây giới đầu tư còn rỉ nhau về cơn sốt biệt thự nghỉ dưỡng khác. Đó chính là Serena Valley Thanh Lanh Resort (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Mỗi căn ở đây có giá cả vài chục tỷ. Khách có tiền nhưng không có quan hệ cũng khó mua được hàng từ chủ đầu tư.

Chị T. – một nhà đầu tư cho biết: “Dù đã chuẩn bị sẵn tiền mặt lên tới hàng chục tỷ để mua 2 căn biệt thự Thanh Lanh. Tuy nhiên, mối quen của tôi chỉ lấy được một căn mà thôi”. 

Lượng khách quan tâm đến biệt thực Hà Nội cùng với vùng ven đô đang tăng mạnh. Nhiều dự án chưa ra mắt, khách đã sẵn sàng trả chênh cả 1 tỷ đồng/căn. Mục đích của khách là chắc chắn phải lấy được hàng. Nếu không mua được hàng mới, khách sẽ quay đầu tìm biệt thự ven đô với nguồn cung cũ. Lúc này, các dự án được tìm đến là  khu Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Dương Nội… 

Giá cao, nhà đầu tư vẫn “chốt đơn” liên tục

Nhiều người tin rằng, thị trường địa ốc đầu năm 2022 vẫn sẽ rất tích cực. Với tâm lý này, anh Nguyễn Kiên (Bắc Ninh) cũng gom 1 căn biệt thự, 1 lô shophouse cùng 1 lô đất nền. Theo anh, thị trường hiện đang sốt nóng nhưng giá vẫn phải chăng. Đầu năm sau thị trường địa ốc còn ấm hơn. Cộng thêm sóng bất động sản, giá cả tăng 30-50% là chuyện bình thường. 

Cũng theo anh Kiên, hiện các hoạt động mua bán diễn ra vô cùng nhanh. Một thương vụ giao dịch bình thường chỉ chốt trong vòng 7 đến 14 ngày. Nếu không xuống tiền sớm, nhà đầu tư có thể “trắng tay” là chuyện hết sức bình thường. 

Nhiều người tin rằng, thị trường địa ốc đầu năm 2022 vẫn sẽ rất tích cực

Giới chuyên gia cũng đưa ra góc nhìn đầy lạc quan về kịch bản thị trường bất động sản năm tới. TS. Cấn Văn Lực trong một diễn đàn mới đây cũng dự đoán: “Giá bất động sản đa phần sẽ không giảm. Đặc biệt giá nhà sẽ tăng từ 5-9% tùy theo địa bàn. Nguyên nhân bởi, nhu cầu không giảm nhưng nguồn cung lại đang thiếu”.

TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng chung quan điểm. Ông cho biết: “Nhìn chung, thị trường bất động sản năm sau vẫn phát triển tốt. Dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thị trường bất động sản nhà ở vẫn luôn là điểm nóng. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu người dân vẫn ở mức cao”. 

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng nêu quan điểm. Theo ông, bên cạnh giá nhà thì giá biệt thự nhiều khu vực đang bị đẩy lên quá cao. Mức giá này vượt qua giá trị thực. Do đó, các nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nên chạy theo cơn sốt. Với tình hình dịch COVID-19 nặng nề, thị trường bất động sản sẽ dễ đi xuống sau khi đạt đỉnh. 

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm