Lao đao vì Covid, 80% sàn giao dịch bất động sản tạm đóng cửa

| 17-08-2021, 15:20 | Thị trường 24h

Hiện tại, chỉ có các sàn giao dịch do doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư mới đủ sức hoạt động. Còn lại 80% các sàn môi giới, giao dịch trung gian đã tạm đóng cửa.


Nguồn vốn FDI vẫn gia tăng

Theo Bộ Xây dựng, đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến thị trường bất động sản Việt Nam. Dịch bệnh kéo dài và diễn biến khó lường đã khiến các sàn giao dịch còn chưa kịp phục hồi thì đã phải nhận một đòn giáng mạnh mẽ.

Trước mắt, chỉ có khoảng 20% các sàn giao dịch do doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn, trực tiếp làm chủ đầu tư như Tập đoàn Cengroup, Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, Công ty Cổ phần Dịch Vụ & Địa Ốc Đất Xanh Miền Bắc … là còn đủ sức duy trì hoạt động. Tuy nhiên hình thức hoạt động chủ yếu đang là bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ vào việc quản lý quảng cáo, giao dịch, thanh toán. Còn lại khoảng 80% các sàn chỉ làm trung gian môi giới đã phải đóng cửa tạm thời.

Mặt khác, theo tổng kết của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20/06/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đạt gần 15,27 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 2,6%. Song nếu xét riêng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, số vốn này đã tăng hơn 35%, tương đương mức tăng 300 triệu USD.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến tháng 6, mức vốn đã tăng mạnh từ 0,6 tỷ USD lên 1,15 tỷ USD. Có thể thấy được, đây là dấu hiệu đáng mừng vì ngành kinh doanh bất động sản vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tốt.

Về cơ bản, thị trường vẫn ổn định

Dịch bệnh đã gây ra một số khó khăn nhưng Bộ Xây dựng cho rằng, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, thị trường bất động sản về cơ bản vẫn ổn định. Hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho các hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được thực thi để tháo gỡ khó khăn và tăng nguồn cung cho thị trường,

Giá chuyển nhượng, khối lượng giao dịch của các phân khúc tuy có biến động nhưng không rơi vào trạng thái “đóng băng”. Một số khu vực xảy ra tình trạng đất nền tăng giá đã được xử lý. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản thiếu cơ sở pháp lý, gây lũng đoạn thị trường phần nào đã được kiểm soát.

Dịch bệnh kéo dài, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành và việc các sàn giao dịch đóng cửa hàng loạt khiến các nhà đầu tư, khách hàng lo ngại thị trường sẽ trầm lắng trong khoảng thời gian sắp tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng, thị trường đang có những tín hiệu phục hồi nhất định và triển vọng tăng trưởng trong tương lai là rất lớn.

Minh chứng là các doanh nghiệp vẫn đang tích cực bám thị trường, tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận khách hàng và tăng tính thanh khoản. Chẳng hạn như giới thiệu và bán hàng online. Phản hồi của khách hàng với hình thức này khá tốt, đặc biệt là ở những thị trường có nhu cầu nhà ở lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Một số doanh nghiệp khác lại đầu tư phát triển loại hình bất động sản mới, có tính cạnh tranh như homestay, second home, farm home... Từ đó, giúp thị trường trở nên đa dạng, mang đến cho người mua nhiều phân khúc, nhiều sự lựa chọn. Hay chú trọng đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng, tiện ích cũng đang được nhiều chủ dự án áp dụng để hấp dẫn người mua.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm