Xưa nay, phân khúc đất nền vẫn được đánh giá là "miếng bánh ngon" của thị trường bất động sản bởi dòng sản phẩm này có tính an toàn cao và khả năng gia tăng giá trị lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, đất nền vẫn là kênh đầu tư được nhiều người ưu tiên. Do đó, thời gian gần đây, chỉ cần nghe tin ở đâu tổ chức các phiên “chợ đất”, lượng lớn nhà đầu tư từ các tỉnh thành khác nhau sẽ đổ về nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Nổi bật trong tháng 6/2021 phải kể đến những phiên “chợ đất” tại ngoại thành, vùng ven Hà Nội.
Đơn cử như ngày 27/6 vừa qua, tại Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh, Hà Nội - nơi tổ chức đấu giá, từ 7 giờ sáng xe ô tô đã nối đuôi nhau xếp kín cổng vào. Nhiều người dân tập trung từ sớm để tìm hiểu, trao đổi thông tin và hoàn thiện các thủ tục trước khi vào phòng đấu giá.
Anh Tùng, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, trong ngày có 4 phiên đấu giá khác nhau cho 48 lô đất thuộc Vân Lôi, Tam Đồng, Mê Linh. Anh tham gia đấu giá 3 lô đất và đều thuộc 2 phiên vào buổi chiều, tuy nhiên từ sáng sớm anh Tùng đã có mặt để theo dõi các phiên trước đó.
“Ngày hôm nay tôi tham gia đấu giá vào 2 phiên buổi chiều nhưng vẫn đến từ sớm để tham khảo mức giá đất hiện tại của các khu vực xung quanh. Từ mức giá tham khảo đó, tôi có thể đưa ra mức giá phù hợp vừa với khả năng, tránh trường hợp đưa ra mức giá quá cao sau này khó thanh khoản”, anh Tùng nói.
Anh Tùng chia sẻ, hiện tại các mảnh đất nằm ở mặt đường lớn rộng 4m, có mức giá khoảng 30 - 32 triệu đồng/m2. Còn các mảnh đất nằm trong đường thôn xóm rộng gần 3m, có mức giá khoảng 15 - 17 triệu đồng/m2.
Kết thúc ngày đấu giá, PV ghi nhận việc xuất hiện nhiều lô đất cao gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với mức giá khởi điểm. Cụ thể, các lô đất ở đường lớn có mức giá khởi điểm là 16,1 triệu đồng/m2, nhưng mức giá trúng dao động từ 32 - 37 triệu đồng/m2. Còn các lô đất nằm ở mặt đường thôn xóm giá khởi điểm 10 triệu đồng/m2, nhưng giá đấu thành công dao động từ 19 - 30 triệu đồng/m2. Cá biệt, một số lô đất do có ít người nộp hồ sơ tham gia đấu giá nên giá trúng chỉ chênh lệch vài trăm nghìn đồng so với giá khởi điểm.
Anh Sơn, nhà đầu tư lâu năm cho biết, anh vừa trúng lô đất rộng hơn 200m2, là lô góc, với mức giá 46,7 triệu đồng/m2. Sở dĩ mảnh đất của anh mua giá cao hơn nhiều so với các lô còn lại do có diện tích lớn, hơn nữa nằm sát mặt đường Mê Linh. Mặc dù mua với mức giá cao nhưng anh Sơn đã có khách trả ngay 50 triệu đồng/m2, tuy nhiên nhà đầu tư này không bán vì muốn sử dụng để mở cửa hàng kinh doanh.
Theo quan sát của PV, nhiều nhà đầu tư sau khi đấu giá thành công sẽ sang tay ngay cho những người cần mua tại khu đất và có thể lãi từ 50 - 200 triệu đồng/lô.
Trước đó, phiên đấu giá tại xã Tự Lập, Mê Linh cũng đã thành công rực rỡ khi 123 lô đất đều tìm được chủ mới. Những người mua được đều phải trả cao hơn gấp 2, 3 lần so với giá khởi điểm ban đầu.
Ngoài ra, tại thị xã , Thái Nguyên, các phiên đấu giá thu hút được sự quan tâm của cả nghìn nhà đầu tư từ khắp nơi. Với tổng số 911 lô đất được đấu giá trong 3 ngày, tất cả đều đã tìm được chủ nhân mới. Các lô đất có mức giá khởi điểm từ 5 - 8 triệu đồng/m2, tuy nhiên mức giá trúng chỉ dao động từ 13 - 37 triệu đồng/m2.
Lý giải về sức hút của các phiên đấu giá đất, anh Tấn, nhà đầu tư tại Vĩnh Phúc cho biết, với đặc thù là những khu đất được địa phương bán trực tiếp đến người sử dụng nên đất đấu giá có rất nhiều ưu điểm mà các sản phẩm bất động sản khác không có được. Đất đấu giá có tính pháp lý rõ ràng, được cắm mốc thực địa cho người sử dụng, không bị tranh chấp, không bị quy hoạch treo… Hơn nữa, những khu đất đấu giá thường nằm ở vị trí có hạ tầng và kết nối trung tâm tốt, không bị chồng lấn, vướng quy hoạch mà được hưởng lợi hạ tầng xung quanh như: Gần trường học, gần UBND, gần khu văn hóa…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho hay, thành công trong việc đấu giá các khu đất thời gian qua tại các quận, huyện Hà Nội đến từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc các cấp chính quyền đã đưa ra nhiều phương án để nâng cao giá trị các khu đất. Trong đó, các khu đất trước khi được đem ra đấu giá đều có hồ sơ quy hoạch chi tiết, quy hoạch giao thông, xây dựng được cập nhật đầy đủ và đúng phương án đã được phê duyệt. Do đó, nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng, lợi thế và đấu giá “sát sườn”, đúng với giá trị của các khu đất. Việc đấu giá cũng được thông tin rộng rãi đến các nhà đầu tư. Từ đó, các phiên đấu giá thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia./.
UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2023.
Theo đó, năm 2021, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 446 dự án với tổng diện tích đất đấu giá hơn 177ha; trong đó có 284 dự án chuyển tiếp. Tổng số tiền dự kiến trúng đấu giá hơn 23.673 tỷ đồng; tổng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả gần 4.883 tỷ đồng. Dự án quy mô diện tích trên 5.000m2 có 214 dự án với tổng diện tích đất đấu giá 140,43ha; dự án quy mô diện tích dưới 5.000m2 có 232 dự án, tổng diện tích đất đấu giá gần 37ha.
Năm 2022 sẽ đấu giá 507 dự án với tổng diện tích đất hơn 422ha, tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến hơn 38.123 tỷ đồng, bao gồm 296 dự án quy mô diện tích trên 5.000m2 và 211 dự án quy mô diện tích dưới 5.000m2.
Năm 2023, tổng số dự án dự kiến đấu giá là 531 với tổng diện tích gần 486ha, dự kiến số tiền trúng đấu giá hơn 42.206 tỷ đồng. Trong đó gồm 371 dự án quy mô trên 5.000m2, 160 dự án diện tích dưới 5.000m2.