Vì sao KĐT An Phú – An Khánh liên tiếp được điều chỉnh quy hoạch?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 7-12-2020, 10:22 | Thị trường 24h

Việc liên tục điều chỉnh như thế có gây thất thoát ngân sách nhà nước? Các nghĩa vụ về thuế, tài chính và quyền lợi cư dân được hài hòa? Doanh nghiệp được gì từ những lần điều chỉnh ấy?

Liên tục điều chỉnh quy hoạch

Khu đô thị An Phú – An Khánh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng hạ tầng cơ sở theo QĐ số 1402/QĐ-TTg ngày 16/11/1998 và QĐ 783/QĐ-TTg về việc giao đất cho Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà để đầu tư hạ tầng cơ sở ngày 13/08/1999, trên cơ sở quy hoạch chung của Quận 2 được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 1998.

Khu đô thị An Phú - An Khánh được phê duyệt chi tiết vào năm 1999


Căn cứ vào các quyết định nói trên, ngày 15/11/1999 Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đã ban hành QĐ số 13764/KTS.T.QH về việc duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất (1/2000) khu đô thị mới An Phú – An Khánh, quận 2, TP.HCM.

Theo QĐ này, khu đô thị An Phú – An Khánh có tổng diện tích 131,015ha với 05 phân khu chức năng A,B,C,D,E trong đó A,B,C,D là các khu ở và công trình công cộng (nhà trẻ, mẩu giáo, trường học…) khu E được bố trí ở trung tâm khu đô thị với chức năng là dịch vụ công cộng như khách sạn, siêu thị phục vụ cho khu đô thị và các vùng phụ cận.

Về cơ cấu sử dụng đất: Đất ở 68.0978ha (chiếm 50,78%), đất giao thông 43,5221ha (32,45%), đất cây xanh, TDTT 12,7208ha (9,49%) đất trung tâm, CTCC 9,7628ha (7,28%) với quy mô dân số dự kiến đến năm 2010 khoảng 29.141 người.

Vì sao KĐT An Phú – An Khánh liên tiếp được điều chỉnh quy hoạch?

Hàng loạt quyết định phê duyệt thay đổi quy hoạch KĐT An Phú - An Khánh


Trên cơ sở đó, từ năm 2001 đến năm 2004, Sở QH-KT TP.HCM ban hành hàng loạt văn bản phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các phân khu A,B,C,D,E khu đô thị mới An Phú – An Khánh, quận 2, TP.HCM.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra báo cáo việc khiếu nại, tố cáo của người dân

Ngày 01/12/2020 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 10057/VPCP-V.I về việc khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Tiết và một số hộ dân TP.HCM.

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo: “UBND TP.HCM kiểm tra việc khiếu nại tố cáo bà Nguyễn Thị Tiết và các hộ dân liên quan đến Dự án khu đô thị mới An Phú – An Khánh, phường An Phú, quận 2, TP.HCM có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2021.

Đến năm 2009 Sở QH-KT TP.HCM ban hành công văn số 945/SQHKT-QHKTT ngày 16/04/2009 ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ (tỉ lệ 1/500) Khu A,B và C thuộc khu đô thị An Phú – An Khánh. Theo công văn số 945, Sở QH-KT đồng ý cho chủ đầu tư “điều chỉnh tách một phần nền đất nhà vườn và nhà biệt thự thành nền đất nhà liền kết để hợp với quy mô tái định cư”.

Quy mô dân số tại khu A và khu C được điều chỉnh tăng thêm tối đa 20% so với dân số được duyệt tại văn bản 2726/KTST-ĐB2. Về kích thước đất nền nhà liên kế sau khi tách thửa tối thiểu là 5x20m. Điều chỉnh trạm xăng dầu thành văn phòng làm việc tại lô đất 7A (552m2) với mật độ xây dựng 35% cao 5 tầng, và lô 7B (1.671m2) cao 10 tầng với mật độ xây dựng 35%. Tại khu C được bổ sung 320m2 đất công viên cây xanh đường Nguyễn Hoàng làm trụ sở công an phường An Phú.

Tại công văn số 2836/SQHKT-QHKTT ngày 12/10/2010, Sở QH-KT tiếp tục ý kiến điều chỉnh Khu D theo hướng tăng 20%  dân số, tối đa 11.620 người. Tổng số nhà ở khoảng 2.905 căn, bao gồm 181 căn nhà liền kế thấp tầng và khoảng 2.724 căn hộ chung cư.

UBND quận 2 đã duyệt điều chỉnh những gì?

Tiếp đó, vào năm 2010 UBND quận 2 ban hành liên tiếp 02 quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu A và Khu C khu đô thị mới An Phú – An Khánh. Cụ thể, tại QĐ số 3909/QĐ-UBND và QĐ 3910/QĐ-UBND ngày 29/03/2010 do ông Lê Trọng Sang – Chủ tịch UBND quận 2 ký nêu rõ: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo hướng tách 1 số nền biệt thự thành nền nhà liên kế đáp ứng nhu cầu tái định cư, tách phần tổng kho H26 Bộ công an ra khỏi quy hoạch, giữ lại đường Lương Định Của hiện hữu…

Giấy phép xây dựng đượng cấp cho 14 căn biệt thự tại Khu E


Theo đó, tại Khu A điều chỉnh tổng số căn hộ toàn khu lên 1.130 căn + căn hộ chung cư (không có số liệu cụ thể), trong đó nhà liên kế phố 658 căn, nhà liên kế vườn, biệt thự 287 căn. Nhà chung cư lô A cao 12 tầng, mật độ xây dựng 42%; Lô B 16 tầng; Lô C 20 tầng; các Lô D,E,F 5 tầng…

Tại Khu C được điều chỉnh quy hoạch tổng căn hộ toàn khu lên 2.011 căn, trong đó nhà liên kế phố 970 căn, nhà liên kế vườn 228 căn, nhà biệt thự 373 căn, chung cư 440 căn với tổng dân số 8.044 người. Nhà chung cư Lô C22A cao 20 tầng; Lô C46 cao 16 tầng; Lô C46A cao 20 tầng. Các công trình công cộng, bệnh viện, trường mẫu giáo, trường THPT tại các Lô C48, C49, C52 đều được điều chỉnh…

Năm 2011, cụ thể là tại QĐ số 7226/QĐ-UBND ngày 06/06/2011 UBND quận 2 tiếp tục điều chỉnh Khu D từ 2.724 căn hộ lên 2.912 căn hộ. Đến năm 2015, UBND quận 2 tiếp tục ban hành QĐ số 3731/QĐ-UBND ngày 28/08/2015 duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu D. Theo đó, tổng số nhà điều chỉnh từ 2.912 căn lên thành 3.532 căn. Trong đó, không điều chỉnh 188 căn nhà thấp tầng, điều chỉnh 2.724 căn hộ lên thành 3.344 căn hộ. Cụ thể, Lô CC05 tăng 164 căn; lô CC06 tăng 306 căn; Lô CC07 tăng 150 căn… nâng mức dân số dự kiến từ 11.648 người lên 12.895 người.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra nội dung khiếu nại, tố cáo và báo cáo Thủ tướng vào tháng 02/2021


Cũng theo đơn thư khiếu nại của cộng đồng cư dân khu đô thị An Phú – An Khánh, năm 2017, UBND quận 2 đã tiến hành điều chỉnh Khu E. Cụ thể, khu chung cư E6 (mật độ xây dựng 35%) được chuyển đổi thành 14 căn biệt thự (mật độ xây dựng 100%) hiện chủ đầu tư đã xây dựng xong và đang chào bán. Trong khi đó, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Khu E không có căn hộ thương mại mà chỉ là cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại…!?

Trước đó, Tài chính Doanh nghiệp đã đăng tải bài viết “UBND quận 2, Tp.HCM đề nghị niêm yết công khai đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị An Phú – An Khánh” phản ánh việc khu đô thị này đang được tiến hành điều chỉnh bất chấp phản ứng của cộng đồng dân cư. Đây là đề nghị và là lần điều chỉnh thứ 6 và đang được UBND quận 2 tích cực triển khai.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh lần này cũng như các lần điều chỉnh trước có phù hợp hay không? Thẩm quyền phê duyệt và nội dung phê duyệt có phá vỡ quy hoạch về chức năng và dân số? Việc liên tục điều chỉnh tăng số căn hộ, tăng tầng chung cư, hoán đổi đất tiện ích thành đất ở có lợi cho ngân sách nhà nước hay có lợi cho ai?

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm