Sự hình thành của các công trình hạ tầng quan trọng tạiThành phố Thủ Đức trong tương lai

| 2-11-2020, 06:46 | Thị trường 24h

Hình hài của Thành phố Thủ Đức tương lai đã bắt đầu hiện rõ qua sự hình thành của các công trình hạ tầng quan trọng. Khi hạ tầng hình thành sẽ kéo dân cư về khu Đông sinh sống, làm việc, là cơ sở để phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.

Sau đây là 7 công trình hạ tầng quan trọng góp phần hình thành nên bộ mặt của Thành phố Thủ Đức:

1. Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

Sự phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực phía Đông TP. Hồ Chí Minh (bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) những năm gần đây là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy với các tuyến đường lớn như Xa Lộ Hà Nội, tuyến đường Mai Chí Thọ, hầm Thủ Thiêm, cùng với đó là sự mở rộng các tuyến đường đang hiện hữu như Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh,…

Đặc biệt, tuyến metro đầu tiên của cả nước – Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021, nối từ trung tâm thành phố đi xuyên qua địa phận Thành phố Thủ Đức với tổng chiều dài cả tuyến là 19.7km, đoạn đi ngầm dài 2.6km, còn lại là đoạn chạy trên cao và bao gồm 14 ga (11 ga trên cao, 2 ga ngầm).

Tính đến tháng 10/2020, tuyến metro đã hoàn thành 77% khối lượng công trình, 23/32km đường ray và hoàn thiện kết cấu 14 ga. Ngày 8-10, đoàn đầu tàu tiên từ Nhật Bản đã cập cảng Khánh Hội và được đưa về Depot Long Bình quận 9. Ba toa tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 có sức chở 930 khách, tốc độ tối đa 110 km/giờ khi đi trên cao và 80 km/ giờ khi chạy ngầm.

Ngày 13-10, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) tổ chức lễ ra mắt đoàn tàu metro số 1 đánh dấu bước chuyển quan trọng của dự án từ giai đoạn xây dựng sang giai đoạn thử nghiệm – vận hành. Sau khi hoàn thành tuyến metro sẽ kết nối với các công trình hạ tầng quan trọng như bến xe, bệnh viện,… góp phần xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, chất lượng cho thành phố.

2. Bến xe miền Đông mới


Bến xe Miền Đông mới toạ lạc tại phường Long Bình, quận 9, được khởi công xây dựng vào năm 2017 với tổng số vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng. Đây được coi là bến xe lớn nhất Việt Nam với quy mô 16ha, bãi đỗ xe oto diện tích khoảng 29.880m2 và các phương tiện khách là 21.000m2. Bến xe Miền Đông mới đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 10/10/2020.

Ngoài mục tiêu giao thông, công trình này còn được dự báo sẽ là động lực phát triển đô thị, dân cư, dịch vụ cho các khu vực lân cận như các phường Long Bình, Tân Phú và Thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương.

3. Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh


Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 quy mô 1.000 giường bệnh đã đi vào hoạt động vào tháng 10-2020 vừa qua. Bệnh viện Ung bướu được coi là dự án quan trọng giúp giảm tải cho bệnh viện ung bướu cũ. Đây là nơi tiếp đón và điều trị cho bệnh nhân các tỉnh Đông Nam bộ miền Trung, Tây Nguyên.

Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 là một nhánh trong bốn yếu tố cơ sở hạ tầng quan trọng của một đô thị “ ĐIỆN – ĐƯỜNG – TRƯỜNG – TRẠM” cho TP. Hồ Chí Minh.

4. Đại học Quốc gia TP. HCM


Với hơn 6.000 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại ĐH Quốc gia và các trường thành viên, Đại học Quốc gia TP.HCM là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn và hiện đai nhất cả nước. Nơi đây còn là trung tâm hợp tác quốc tế với hàng chục đoàn chuyên gia quốc tế đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và nghiên cứu mỗi năm.

5. Dự án Khu công nghệ cao 2


Nơi nào có công việc, nơi đó sẽ có dân cư, hình thành đô thị như nước chảy về chỗ trũng. Mô hình Khu công nghệ cao đầu tiên tại TP thành công là tiền đề để lãnh đạo TP.HCM quyết định quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao thứ 2 cũng trên địa bàn quận 9 với quy mô 166 ha.
“Khu công nghệ cao 2” với tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ, liên kết và bổ sung chức năng cho khu công nghệ cao hiện hữu. Đây cũng là cơ sở để nghiên cứu khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TP.HCM, là thành phố Thủ Đức trong tương lai.

6. Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây


Đây là đường cao tốc nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai với điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú (quận 2) điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ). Hiện đoạn đường này đã đưa vào sử dụng với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km.

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để mở rộng tuyến đường này thành 8-10 làn xe để đưa vào kế hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025.

Việc mở rộng tuyến cao tốc giải quyết tình trạng quá tải xe cộ hiện nay trên tuyến, giúp liên kết vận tải TP.HCM đi các tỉnh dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi hơn. Hiệu quả nhất là kết nối khu vực phía đông TP.HCM với Đồng Nai và các tỉnh khác. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát triển các đô thị và khu đân cư ở những điểm kết nối của tuyến cao tốc này.

7. Cầu Cát Lái nối Quận 2 (TP. HCM) và Nhơn Trạch (Đồng Nai)

Sở Giao thông vận tải của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã đồng ý phương án xây dựng cầu Cát Lái quy mô 6 làn xe. Ở đầu TP.HCM, cầu Cát Lái sẽ kết nối vào đường Vành đai 2 – TP.HCM, đầu Đồng Nai sẽ được kết nối đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch). Đây là cây cầu mơ ước của người dân và doanh nghiệp hai bên bờ sông Đồng Nai vốn cách trở đò giang từ trước đến nay.

Dự án cầu cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện. Dự kiến cầu cát Lái sẽ khởi công trong năm 2020 với tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng.

Với cầu cát Lái, khoảng cách khu đô thị phía đông của TP.HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu và các huyện Long thành, Nhơn Trạch của Đồng Nai sẽ rút ngắn lại. Mai nay, khi dự án sân bay Long Thành đi vào hoạt động, tuyến thông thương này mở ra cơ hội rất lớn để phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại cho TP.HCM, nhất là các quận phía Đông.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm