Hà Nội: Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và phân khu sông Hồng sắp được phê duyệt

| 26-02-2021, 07:42 | Thị trường 24h

Ảnh minh họa.

UBND TP. Hà Nội sáng nay (26/2) cho biết, Ban Cán sự đảng UBND TP.Hà Nội vừa báo cáo Thường trực Thành ủy về các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử gồm 6 đồ án quy hoạch có ký hiệu là H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000 và Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng.


Tại cuộc họp, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, cả 6 đồ án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật, cụ thể là phù hợp với toàn bộ quy hoạch cấp trên, các quy định, quy chế quản lý quy hoạch.


UBND thành phố đã có văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất về các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ như về tiêu chuẩn, quy chuẩn; chiều cao công trình; khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận...


Trong khi đó, Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.


Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo trình bày của đại diện UBND TP.Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.


Dự kiến, 6 quy hoạch này sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tuần sau để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý 1/2021.


Cùng với đó, Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch phân khu sông Hồng, trình Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi làm việc với các bộ, ngành Trung ương để thống nhất các nội dung quan trọng trước khi phê duyệt.


Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, dự kiến khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.


Trong khi đó, Quy hoạch phân khu sông Hồng đã có bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm