Giảm lợi nhuận kích cầu bất động sản

| 13-06-2020, 16:29 | Thị trường 24h

Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra hàng loạt giải pháp để kích cầu, trong đó có việc giảm lợi nhuận.

Tăng chiết khấu

Tại buổi tọa đàm thị trường bất động sản (BĐS) do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết doanh nghiệp (DN) BĐS đang gặp khó khăn kép là vướng mắc về pháp lý, thủ tục kéo dài từ năm 2019 và khó khăn do tác động của dịch COVID-19 gây ra. Hiện nguồn cung không đáp ứng được cầu tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương... nhưng thực tế, tiêu thụ vẫn rất chậm.

Chính vì vậy, các DN đã phải đưa ra nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn. Điển hình như tại Tập đoàn Hưng Thịnh, đơn vị này đã cắt giảm lợi nhuận bằng cách chiết khấu 5% cho khoản tiền khách hàng thanh toán theo đúng tiến độ. Chương trình này áp dụng với bất kỳ khoản thanh toán nào và không phân biệt số lần thanh toán.

Giảm lợi nhuận kích cầu bất động sản

Các doanh nghiệp đã tung ra nhiều gói hỗ trợ khách hàng để kích cầu thị trường bất động sản ẢNH: ĐÌNH SƠN


Tuy nhiên theo ông Dũng, chỉ DN thôi sẽ không đủ sức vượt qua khó khăn này mà cần có vai trò của Bộ Xây dựng thông qua các chính sách hỗ trợ. “Một chính sách nếu được tháo gỡ sẽ giải quyết được vấn đề nguồn cung ra thị trường. Điều đó thuộc về cơ quan quản lý. Còn làm sao để kích cầu là chuyện của các DN BĐS. Dù Bộ Xây dựng không phải là cơ quan duy nhất giải quyết vấn đề nhưng là cơ quan đầu mối kết nối với các bộ ngành liên quan. Nếu không giải quyết được sự chồng chéo, tắc nghẽn thì tất cả các DN sẽ bị kẹt”, ông Dũng nói.

Tình trạng tại CTCP phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) cũng tương tự. Lãnh đạo công ty này phân tích, không chỉ BĐS, các lĩnh vực khác cũng khó khăn không kém, người lao động phải nghỉ việc nên ảnh hưởng đến thu nhập của khách hàng. Chính vì vậy, nhiều khách hàng mua nhà tại công ty đã bị chậm tiến độ thanh toán, thậm chí có nhiều khách hàng xin thanh lý hợp đồng, lấy lại tiền chấp nhận chịu phạt. Vừa gặp khó khăn kép, lại bị tác động bởi khó khăn của các ngành khác nên thị trường BĐS gần như đóng băng.

Trước tình hình trên, Công ty HDTC đã đưa ra một giải pháp là giảm 5% trên số tiền mà khách hàng đóng đúng tiến độ để khuyến khích khách hàng giữ hợp đồng, đóng tiền, giữ thanh khoản.

 


Tương tự, Tập đoàn BĐS Vạn Phúc dành gói kích cầu 50 tỷ đồng cho khách hàng mua nhà trong tháng 6. Theo đó, mỗi giao dịch thành công sẽ được ưu đãi chiết khấu 500 triệu đồng, đồng thời áp dụng phương thức thanh toán linh hoạt trong 24 tháng.

Ngoài ra khách hàng mua nhà còn được tham gia chương trình rút thăm trúng thưởng trị giá 8 tỷ đồng nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn.

Công ty địa ốc Thắng Lợi tung gói trợ giá mua nhà mùa COVID-19 trị giá 100 tỷ đồng. Theo đó, chủ đầu tư này sẽ chiết khấu 5% với tất cả sản phẩm nhà ở thuộc các dự án vùng ven TP.HCM như Thắng Lợi Central Hill, Youngtown Tây Bắc Sài Gòn, Galaxy Hải Sơn...

Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể chọn hình thức trả góp trong vòng 5 năm hoặc 10 năm để giảm áp lực tài chính. Trong khi đó, CTCP đầu tư Nam Long thì công bố chương trình bán hàng trực tuyến từ cuối tháng 3 và áp dụng chính sách bán hàng ưu đãi cho các sản phẩm căn hộ thuộc dự án Akari City (quận Bình Tân, TP.HCM) đã hoàn tất ký hợp đồng đặt cọc từ ngày 28/3 – 15/4. Chủ đầu tư miễn phí quản lý 2 năm kể từ thời điểm thông báo bàn giao nhà; áp dụng chính sách chiết khấu 1% trực tiếp trên giá trị hợp đồng cho các căn hộ diện tích 80 m2 trở lên.

Ngoài ra, khách hàng đã mua các sản phẩm của tập đoàn cũng được giãn hoặc gia hạn thêm một số ngày trên tiến độ thanh toán đã ký.

Cần gói kích thích tổng lực của các DN

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia đầu tư BĐS, nhận định không chỉ thời điểm dịch COVID-19, mà từ đây đến cuối năm, các DN khi tung ra dự án sẽ có những chính sách ưu đãi thu hút người mua. Chính sách này bao gồm đảm bảo thời gian thanh toán kéo dài, hỗ trợ lãi suất vay, tăng chiết khấu, chia sẻ lợi nhuận. Có như vậy, người mua mới có thể đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.

Ngược lại, DN thời điểm này tập trung đảm bảo hoạt động ổn định thay vì tập trung cho phát triển. “Khi DN có chính sách chiết khấu, lãi suất ngân hàng được ưu đãi, nếu khách hàng muốn mua nhà để ở thì chỉ nên vay tối đa 50% giá trị tài sản. Nếu khách hàng muốn mua đầu tư thì nên dùng tiền mặt, hạn chế tối đa việc vay ngân hàng”, ông Quang khuyến cáo.

Từ đây đến cuối năm, các DN khi tung ra dự án sẽ có những chính sách ưu đãi thu hút người mua


Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường DKRA Việt Nam, để tháo gỡ những khó khăn của thị trường BĐS do tình hình dịch COVID-19, một loạt chính sách ưu đãi của Chính phủ đã được ban hành. Các ưu đãi sẽ bao gồm giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thêm vào đó, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng sẽ được đưa ra để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Để hỗ trợ DN và cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư. Một loạt chính sách đã được tung ra cho cả DN và người dân để tạo động lực, giúp thị trường BĐS vượt qua khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, cho rằng cần gói kích cầu tổng lực của các DN sẽ hấp dẫn hơn. Ví dụ các DN đưa ra tổng gói giá trị kích cầu 1.000 tỷ đồng của 20 - 30 DN lớn dành cho 5.000 sản phẩm với mức ưu đãi 200 - 500 triệu đồng hoặc tính theo tỷ lệ giảm khoảng từ 5 - 10%/sản phẩm và cộng thêm một số gói ưu đãi khác nữa, tùy theo DN như miễn phí quản lý... Khi đó thị trường sẽ “xôm tụ” trở lại.

“Nếu các DN có hàng đang bán ngồi lại làm chương trình chung như thế này sẽ hấp dẫn và thu hút khách hàng nhiều hơn”, bà Hương đề xuất.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, các DN nên hoãn thông báo thu tiền mua nhà, thuê nhà theo hợp đồng trong giai đoạn đại dịch hoành hành, để tránh gây áp lực cho khách hàng; tăng cường liên lạc thăm hỏi và chăm sóc khách hàng. Nếu có chính sách hỗ trợ thì kịp thời thông báo cho khách hàng.

Đồng thời cần xem xét chính sách giãn tiến độ thu, giảm tiền thuê, thậm chí miễn thu tiền thuê nhà, mặt bằng trong một thời gian nhất định để hỗ trợ khách hàng; cần xem xét chính sách giảm giá bán nhà, tặng voucher, tăng tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay mua nhà (trong thời gian chờ giao nhà) và các khuyến mãi khác.

Ông Châu khuyên, các DN cần tập trung phát triển phương thức làm việc từ xa, tận dụng tối đa các thành tựu của khoa học, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, internet kết nối vạn vật, tiếp thị quảng bá dự án và sản phẩm trực tuyến, online, công nghệ BIM trong sản xuất, thi công, quản lý dự án, kinh doanh BĐS.

DN nên chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển BĐS xanh và thông minh, hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình, nhà ở có giá vừa túi tiền (affordable housing), nhà ở giá thấp (low-cost housing), nhà ở xã hội và tích cực tham gia các chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, tham gia đề án phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM (TP phía Đông).

“Khi Chính phủ dự báo khả năng đại dịch COVID-19 qua đi, nhất là khi các biện pháp giãn cách xã hội được giảm nhẹ dần, thì ngay từ bây giờ, các DN cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện các đợt tái khởi động thị trường BĐS, tái khởi động các dự án, các đợt khuyến mãi lớn, dự kiến có thể trong những tháng cuối năm”.

Ông Lê Hoàng Châu

(Theo Thanh Niên)

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm