Bộ trưởng Bộ GTVT: 'Quan trọng là có tiền chúng ta mới có được dự án'

| 12-06-2020, 04:37 | Thị trường 24h

Vì sao tiến độ dự án chậm?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cuối tháng 11/2017, Chính phủ đã trình Quốc hội về phương án chủ trương đầu tư công 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, từ tháng 11/2017 đến tháng 10/2018, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu để chọn tư vấn cho 11 dự án; đến tháng 10/2018 thì hoàn thành toàn bộ việc phê duyệt 11 dự án.

"Sau khi phê duyệt dự án, Bộ GTVT đã báo cáo với Chính phủ và trong các kỳ họp Quốc hội cũng đã báo cáo Quốc hội. Sau đó, chúng ta phải tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn tư vấn, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, bởi vì theo Nghị quyết 52, chúng ta chỉ được đấu thầu khi hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt", Bộ trưởng Thể nói.

 Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể

Cũng theo lời Bộ trưởng, từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2019, Bộ GTVT đã hoàn thành toàn bộ 11 dự án về mặt hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Tư vấn phải khoan địa chất, phải nghiên cứu địa hình, phối hợp với các địa phương để đưa ra các giải pháp. Như vậy, tới tháng 6/2019 mới đủ điều kiện để đấu thầu.

Tuy nhiên, sau khi đã tiếp cận 100 nhà đầu tư trong nước và 70 nhà đầu tư nước ngoài, đến giai đoạn tháng 9/2019, Bộ GTVT nhận được 32 nhà đầu tư nước ngoài và chủ yếu là ở các nước châu Á. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã báo cáo với các lãnh đạo chủ chốt và sau khi có chủ trương thì tháng 9/2019 đã công bố hủy thầu quốc tế để chuyển qua đấu thầu trong nước. Hiện 7 dự án có từ 2-5 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án không có nhà đầu tư.

"Nói như thế để các đồng chí thấy xuyên suốt trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT nói riêng, các bộ, ngành nói chung và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cao độ. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện theo Luật Đầu tư và theo các quy định của pháp luật, nhất là khi đây là dự án trọng điểm quốc gia. Chúng tôi cũng xác định là sẽ thanh tra, kiểm toán, thậm chí là điều tra, do đó chúng tôi phải làm đúng quy định của pháp luật. Xin báo cáo chậm là lý do như vậy", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải.

'Quan trọng là có tiền chúng ta mới có được dự án'

Ngoài việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc 5 dự án còn lại liệu thành công hay không? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết 5 dự án còn lại phải huy động hơn 22.000 tỷ đồng, bình quân mỗi dự án phải thu hút hơn 4.000 tỷ đồng. Một dự án BOT trước đây khoảng 1.000 -1.500 tỷ đồng, còn bây giờ dự án này bình quân hơn 4.000 tỷ đồng. 

"Nếu không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được. Không khởi công được thì muốn khởi công phải báo cáo lại Quốc hội", Bộ trưởng Thể nói và khẳng định nếu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước mà huy động vốn trái phiếu chính phủ thì lợi ích đem lại cho xã hội cũng rất lớn.

“Quan trọng là có tiền chúng ta mới có được dự án”, ông Thể nhấn mạnh và chia sẻ thêm “áp lực rất lớn” khi quyết tâm thực hiện dự án này.

Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định khi chuyển qua đầu tư công, Bộ GTVT đã chuẩn bị điều chỉnh thiết kế, phân chia gói thầu và hoàn thành dự toán, chỉ chờ nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ thì phê duyệt, không phải đấu thầu nữa.

"Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng, tới thời điểm tháng 6, tháng 7 là phát hành hồ sơ mời thầu, các nhà thầu sẽ tham gia trong 3 tháng, đến cuối tháng 9 sẽ có kết quả và khởi công một vài gói thầu.

"Có nghĩa rằng nếu chuyển sang đầu tư công thì toàn bộ các gói thầu của 3 dự án này sẽ khởi công trong năm nay. Còn nếu làm theo hình thức PPP thì tháng 11, tháng 12; nếu không có nhà đầu tư thì chúng ta phải quay lại báo cáo; tới tháng 6/2021 mà không thu xếp được tín dụng cũng phải báo cáo", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

[/i]
Chí Bình

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm