Doanh nghiệp bất động sản kêu khó về áp chi phí lãi vay vượt 20%

| 19-06-2019, 17:59 | Thị trường 24h / Chính sách

Việc Chính phủ quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của kỳ nộp thuế, không phân biệt doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP khiến các DN bất động sản (BĐS), một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ thống kinh tế gặp khó khăn.
Doanh nghiệp bất động sản kêu khó về áp chi phí lãi vay vượt 20%
Ảnh minh họa

Lo ngại tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Tại Diễn đàn xu hướng đầu tư BĐS diễn ra mới đây, các chuyên gia một lần nữa phản ánh về những khó khăn của DN trong ngành BĐS về quy định khống chế trần lãi vay được nêu trong khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.

Cụ thể, khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế…”.

Như vậy, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, Nghị định 20 ảnh hưởng tới DN lớn, đặc biệt là các tập đoàn trong nước.

Theo ông Nam, hiện mô hình của nhiều DN là tập đoàn đứng ra vay tiền, sau đó cho các công ty con vay lại. Ông cho rằng Nghị định 20 nhằm chống chuyển giá với các DN ngoại, nhưng mục tiêu này có thể bị trượt trong khi lại ảnh hưởng đến DN trong nước - vốn là những đối tượng không nằm trong nghi vấn.

Ông Nam cho biết, các tập đoàn lớn đứng ra vay tiền chỉ vay cho công ty mẹ, không cho công ty con vay. Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính giải thích là để chống chuyển giá nhưng mục tiêu “bắn” trượt lại tác động đến các DN trong nước. Đồng thời ông Nam nhấn mạnh: “Điều này thủ tiêu động lực phát triển của DN, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho DN”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VNREA chia sẻ, thị trường BĐS được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Hiện nay, ngân hàng có xu hướng thắt chặt cho vay BĐS, đồng thời, lãi suất cho vay tăng cao. Ở các thành phố lớn, nhiều dự án đang định trệ, riêng tại TP HCM, trong quý I/2019, số dự án được cấp phép giảm 67%, cấp phép xây dựng đối với các công trình nhỏ lẻ của người dân cũng giảm 16%. Tại Hà Nội, lượng cung cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Đề xuất điều chỉnh Nghị định

Chủ tịch VNREA đề xuất, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi, ngành tài chính có thể đề nghị dừng triển khai quy định này tại Nghị định 20. Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, mục tiêu của Nghị định này chưa trúng. Ngoài ra, theo ông, quy định khống chế mức 20% cũng chưa phù hợp với DN trong nước. Ông dẫn chứng, tại các nước châu Âu có đưa ra quy định tương tự song tỷ lệ khống chế là 30%.

“DN Việt Nam đi vay rất nhiều, nên tỷ lệ khống chế tối thiểu theo tôi phải trên 30%. Hơn nữa, thị trường vốn của chúng ta chưa phát triển, nhiều DN chưa phát hành cổ phiếu được. Ở châu Âu, thị trường chỉ dựa 35% vốn ngân hàng, song tại Việt Nam thì tỷ lệ này là 60-65%”- ông Lực nói, đồng thời dẫn số liệu phân tích của nhóm chuyên gia tài chính cho thấy 20 DN lớn nhất niêm yết trên sàn đều bị ảnh hưởng bởi quy định khống chế lãi vay nói trên.

Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết nhằm kiểm soát giao dịch minh bạch đúng thị trường, tránh các hoạt động trốn, chuyển thuế, chuyển giá trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về thuế. Tuy nhiên, Nghị định 20 còn kiểm soát đầu tư, lái lợi nhuận thuế của các DN trong nước. Lấy ví dụ về câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế chia sẻ câu chuyện một DN đăng ký hoạt động tại Hà Nội nhưng phát triển BĐS tại các địa phương khác.

Ông Phụng cho rằng, ở một số địa phương, Nhà nước đã có chính sách quy hoạch phát triển, giá BĐS ở những nơi này sẽ tăng lên, trong khi các nhà đầu tư lại có mong muốn đầu tư, gia tăng lợi nhuận ở những nơi này. Các DN hoàn toàn có thể “chèo lái” lợi nhuận này. Tuy nhiên, điều này lại phát sinh nhiều vấn đề nên các địa phương đòi hỏi có nguồn thu chính đáng, tránh “nước chảy chỗ trũng”. Ngân sách là của hơn 90 triệu dân không thể để DN “lái”.

“Do đó cùng với tạo điều kiện qua luật thu nhập thuế thì việc khuyến cáo, ngăn chặn và tránh chuyển giá, tránh thuế là điều cần thiết” - ông Phụng nói.

Ở góc độ khác, hệ quả của chính sách trải thảm đầu tư những năm qua là có quá nhiều ưu đãi thuế suất theo từng vùng miền, địa phương như miễn thuế 4 năm, giảm thuế 15 - 20%, các nhà đầu tư có thể điều hành lợi nhuận qua các nguồn vốn vay ở từng địa phương.

“Đơn cử, Phú Quốc và Vân Đồn vẫn là huyện đảo, ưu đãi thuế vẫn thấp. Các DN ở các thành phố lớn đầu tư ra các địa phương này có lời, nhưng lại được hưởng lợi chính sách thuế ưu đãi của các địa phương đó”- ông Phụng lấy ví dụ.

Với Nghị định 20, chi phí lãi vay tính vào chi phí tính thuế không quá 20% lợi nhuận thực tế cộng với khấu hao. Do đó, quy định chỉ tiêu lợi nhuận lãi vay khi vay vốn là một trong những giải pháp công bằng để đảm bảo người vốn ít cũng như vốn nhiều khi vào cùng thị trường, làm một dự án.

Một điều rất đáng chú ý là Nghị định được áp dụng cả DN FDI và DN trong nước nhưng thời gian qua, chủ yếu DN trong nước lên tiếng than phiền, do đó ông Phụng đồng tình phải xem xét lại. Theo ông Phụng, cần điều chỉnh như DN phản ánh, nhưng phải có số liệu cụ thể, ví dụ vốn thực bao nhiêu, áp vào 20% là bao nhiêu, sẵn sàng công khai minh bạch... Nghị định trái luật thì sẽ bị “tuýt còi” nên không có chuyện văn bản trái luật. Chỉ có vấn đề là chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại.

Anh Vũ
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm