Tháng 2/2020: Thị trường BĐS ảm đảm vì Covid-19

| 3-03-2020, 03:02 | Thị trường 24h

Dịch bệnh Corona là cú sốc đầu năm đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Thị trường bất động sản đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh này, đầu năm thị trường khá ảm đạm với ít giao dịch diễn ra.

Nhiều phân khúc bị ảnh hưởng

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, ngay sau khi kết thúc kì nghỉ Tết, môi giới đã bắt tay vào công việc. Các kế hoạch chạy quảng cáo tìm kiếm khách hàng, chăm sóc khách hàng cũ được khởi động trở lại. Tuy nhiên, môi giới và nhà đầu tư đều đang “gặp khó” với dịch bệnh Corona. Một số sàn, chủ đầu tư có nguồn hàng sẵn có kế hoạch mở bán dự án thời điểm sau Tết cũng căn cứ tình hình diễn biễn của dịch bệnh nên quyết định lùi lịch mở bán. Khách hàng, nhà đầu tư đều e ngại việc tham quan, khảo sát dự án. 

Các phân khúc của thị trường đều bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Bởi lẽ Trung Quốc đang là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Dịch cúm Corona khiến lượng khách này sụt giảm mạnh. Các khách sạn nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả đối tượng khách lẻ. 

Các thủ phủ du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang… đều đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh của lượng khách, đồng nghĩa với công suất phòng giảm mạnh. Theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa, trong dịp Tết Canh Tý, công suất phòng khách sạn chỉ đạt 50%, giảm gần một một nửa so với cùng kỳ 2019. Một số khách sạn đứng trước nguy cơ phá sản.

Thị trường bất động sản đầu năm đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Corona

Trong bối cảnh vô cùng ảm đạm, bất động sản nghỉ dưỡng đón nhận thông tin tích cực. Ngày 14/02/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó có công trình căn hộ du lịch condotel. Đây được coi là động thái cấp “giấy khai sinh” cho mô hình condotel – loại hình gây tranh cãi về pháp lý trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, các phân khúc khác như bất động sản cho thuê, bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Cùng là thời điểm sau Tết nhưng chưa bao giờ các “thiên đường” nhà trọ dành cho sinh viên, công nhân ở Hà Nội lại ế ẩm như thời hiện tại. Dịch cúm Corona đã khiến tỉ lệ lấp đầy phòng trọ sau Tết tại Hà Nội trở nên thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. 

So với cùng thời điểm sau Tết các năm, các “thiên đường” nhà trọ công nhân, sinh viên ở Hà Nội như Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng, Nhân Mỹ, Tân Mỹ (Nam Từ Liêm), Bùi Xương Trạch, Triều Khúc (Thanh Xuân), Nhổn, Diễn (Bắc Từ Liêm)… đìu hiu hơn hẳn. Các ngõ ngách nhan nhản các bảng treo thuê nhà nhưng người hỏi thuê gần như không có hoặc chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Cùng với đó, Dịch bệnh Corona khiến người tiêu dùng có tâm lý hạn chế ra ngoài, tụ tập chỗ đông người khiến thị trường tiêu dùng trở nên vắng vẻ hơn. Nhiều trung tâm thương mại, nhiều hàng quán đều chung tình cảnh “đìu hiu” đầu năm. Những người có ý định mở mặt bằng kinh doanh sau Tết cũng vì thế mà hoãn lại kế hoạch.

Sóng đất nền đầu năm

Trong bối cảnh ảm đạm, thị trường vẫn hiện diện những cơn sốt mang tính cục bộ của phân khúc đất nền . Tại Vũng Tàu, thông tin một siêu dự án 800ha được đề xuất tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức đã khiến giá đất đua nhau nhảy múa. Hai tuần cuối cùng của tháng 2, lượng người đổ về Bình Ba tìm mua đất tăng chóng mặt. Hàng loạt ô tô biển số TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu ken đặc trên các tuyến Quốc lộ 56, đoạn qua địa phận xã Bình Ba tìm mua đất dù thông tin dự án sắp triển khai vẫn còn trên giấy.

Tháng 2/2020: Thị trường BĐS ảm đảm vì Covid-19
Sốt đất Bình Ba hâm nóng thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đầu năm nhưng sau đó nhanh chóng lụi tắt.

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, các khu đất trên địa bàn thị trấn Ngãi Giao, giáp đường Mỹ Xuân, tuyến Trần Hưng Đạo hay đất nằm dọc theo Quốc lộ 56 thuộc địa bàn xã Bình Ba nơi được xác định sẽ triển khai dự án đô thị quy mô lớn có giá bán tăng gần 100 - 200% chỉ trong vài ngày. Thời điểm 2019, giá mỗi mét ngang đất thổ vườn nằm dọc quốc lộ 56 chỉ từ 60 - 100 triệu là cao nhất, nay đã được thổi lên 300 - 400 triệu, đất thổ cư thì giá lên tận 500 - 600 triệu/mét ngang. Trước những diễn biến phức tạp trên, UBND huyện Châu Đức đã có văn bản thông tin cụ thể về dự án, khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng, không lao theo đám đông khi dự án mới chỉ hình thành trên giấy. Ngay sau khuyến cáo của cơ quan chức năng, giá đất Bình Ba rớt thê thảm, dân đầu cơ rút khỏi thị trường.

Tại Hà Nội, vin vào những chuyển biến của hạ tầng, quy hoạch  Hòa Lạc đang là khu vực hiếm hoi có sóng trên thị trường khi hoạt động giao dịch diễn ra khá sôi động. Đất tăng từ 1-2 giá so với năm ngoái. Sự sôi động của thời điểm hiện tại lại đến từ nguồn cung mới là các khu đất nhỏ lẻ được một số nhà đầu tư tự đứng ra phân lô bán nền. Rất nhiều khu đất có quy mô từ 10-40 lô được đẩy ra thị trường. Hoạt động truyền thông, quảng cáo bán hàng cũng được đẩy mạnh, rầm rộ thời điểm đầu năm. 

Giá đất cũng đã thiết lập mặt bằng mới. Đầu năm ngoái, nhiều mảnh đất lô góc, vị trí mặt tiền tại thôn Phú Cát, từng được chào giá 9-11 triệu đồng/m2 thì nay giá chào bán lên mức 11-12 triệu đồng/m2. Tương tự, những mảnh thổ cư vị trí đẹp tại Phú Mãn (Quốc Oai) giá cũng tăng từ 8-9 triệu đồng/m2 lên mức 10-11 triệu đồng/m2, những mảnh đất trong ngõ to, hai ô tô có thể tránh nhau, giá cũng tăng từ 5-6 triệu đồng/m2 lên mức 6-7,5 triệu đồng/m2… Đất trong ngõ nhỏ ở Tiến Xuân cũng tăng giá từ 3-4 triệu đồng/m2 lên mức 4-5,5 triệu đồng/m2. Biên độ tăng giá dao động từ 15-20% trong một năm, không có hiện tượng giá đất nhảy múa trong thời gian ngắn.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm