Vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

| 28-02-2020, 03:57 | Thị trường 24h

Khu tập thể Nam Thành Công là một trong những chung cư cũ tại Hà Nội có mức độ xuống cấp tương đối cao, hằng ngày vẫn đe dọa đến tính mạng của người dân sống tại đây. Hiện tại UBND thành phố Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia lập ý tưởng quy hoạch khu tập thể này. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì khiến các nhà đầu tư cứ lần lượt đến tìm hiểu rồi lần lượt một đi không trở lại…?
Vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội
Người dân vẫn “bám trụ” tại tòa nhà G6A Thành Công nơi được đánh giá là những chung cư cũ nguy hiểm nhất của Hà Nội.  
Được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1987, tòa G6A, gồm 5 tầng, có 3 đơn nguyên, hiện nay hai đơn nguyên 1 và 2 được đánh giá có mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 3 mức độ nguy hiểm cấp C. Cũng trong năm đó, UBND phường Thành Công đã có phương án di dời dân đến nhà tạm cư nhưng với nhiều lí do, vẫn còn nhiều hộ dân cố bám trụ, quyết không dời đi.  


Lý giải cho nguyên nhân này, nhiều hộ dân cho biết, một trong những lí do họ chưa chuyển đi là vì chưa tin tưởng vào kết quả khảo sát, kiểm định và đánh giá chất lượng khu nhà này. Thậm chí còn so sánh với cấp độ “C”cùa khu tập thể E4, E6 Thành Công khi đang được gia cố bằng khung thép. Nói như vậy để thấy, chưa bàn đến những lợi ích tương lai, câu chuyện cải tạo chung cư cũ, đang có nhiều “vướng mắc” ngay từ chính những người dân đang sinh sống trong khu vực.   


Câu chuyện “vướng mắc” không diễn ra riêng tại khu tập thể G6A Thành Công. Kết quả khảo sát của các đơn vị tư vấn cũng cho thấy nhiều “vấn đề”. Trong tổng số 3436 căn hộ, 16088 người dân khu tập thể Thành Công chỉ có 94% hộ dân ủng hộ dự án; 91% đề nghị tái định cư tại chỗ; 85% hộ dân muốn tăng diện tích căn hộ sau cải tạo; mong muốn diện tích 50-100m2: 25%; diện tích trên 100m2: 75%. 80% người dân muốn có siêu thị tại nơi ở. Điều đáng lưu ý: Các hộ tầng 1 không kê khai phiếu khảo sát!   


Theo kết quả khảo sát của Công ty CP Tập đoàn T&T tại khu tập thể Đại học Thủy Lợi, tỷ lệ ủng hộ với chủ trương cải tạo chung cư cũ đạt 75%; số không đồng thuận chiếm 25%. Với các hộ dân đang sống tại nhà liền kề chung cư cũ: 20% đồng ý cải tạo và 80% không đồng ý cải tạo. Nhu cầu tái định cư tại chỗ: 93,3% các hộ đang sống tại nhà chung cư trả lời có mong muốn; nhu cầu mua thêm diện tích: 52,1%. Khảo sát của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC tại tập thể C86 Kim Mã Thượng: 88,4% người dân đồng ý với chủ trương xây mới ; 70,67% người dân muốn mua thêm diện tích…  


Công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị là việc làm cấp thiết, tuy nhiên đến nay trên toàn TP mới hoàn thành xây dựng lại 14 nhà chung cư cũ theo hai mô hình đầu tư là sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa. Chủ yếu đây mới chỉ là những tòa chung cư đơn lẻ, nằm ở các vị trí “đắc địa” như nhà B7, B10 Khu tập thể Kim Liên (nguồn vốn ngân sách); nhà I1, I2, I3 Thái Hà, 187 Tây Sơn, P3 Phương Liệt, B4, B14 Kim Liên, A6, C7, D2 Giảng Võ (nguồn vốn xã hội hóa).   Đến nay, về cơ bản có hai phương án chính được đề xuất là xây dựng đúng tầng cao và chỉ tiêu dân số theo quy hoạch và điều chỉnh chiều cao, chỉ tiêu để bảo đảm cân đối tài chính dự án. Điều đáng nói là hiện cả hai phương án đến nay đều không đáp ứng được yêu cầu. Phương án một không đáp ứng được yêu cầu tài chính, còn phương án hai lại ảnh hưởng đến quy hoạch và tạo thêm áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông cho khu vực nội đô. Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác cải tạo chung cư cũ theo phương án xây dựng tổng thể toàn khu bằng phương thức huy động nguồn lực xã hội hóa có thể coi là chủ trương đúng đắn. Song, để thực hiện lại là thách thức lớn do còn vướng mắc về cơ chế, quy hoạch.


Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, ưu điểm thấy rõ của hình thức xây dựng, cải tạo theo từng khu góp phần đảm bảo đồng bộ giữa các công trình nhà ở và công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại dự án theo quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, qua việc thực hiện dự án này vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.  


Nhất trí với tính cấp bách của công tác cải tạo chung cư cũ, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc quan trọng nhất là phải đảm bảo lợi ích 3 bên nhà nước, người dân, và doanh nghiệp. Trước mắt, thành phố cần xây dựng một bộ khung cơ bản từ hệ số đền bù k, hệ số nhà đất… sau đó có thể tùy từng dự án để có sự điều chỉnh phù hợp. “Doanh nghiệp là đơn vị làm kinh tế, các quy hoạch của doanh nghiệp không phải là sai, nhưng chắc chắn sẽ ưu tiên mục đích kinh tế của mình.  


Thành phố nên chủ động trong công tác lập quy hoạch, thậm chí có thể chủ động “thuê” tư vấn nước ngoài hỗ trợ lập quy hoạch, từ đó tiến hành đấu giá các lô đất phù hợp. Việc làm này sẽ do thị trường điều tiết, cứ nhìn lại sự chênh lệch giữa giá trị đền bù với giá trị thị trường của lô đất sẽ thấy rõ” - PGS. TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.  


Có thể nói, thành phố Hà Nội có rất nhiều quyết tâm trong công tác cải tạo chung cư cũ, nhiều kế hoạch với những cột mốc quan trọng đã được đưa ra, nhiều doanh nghiệp cũng được trải thảm đỏ kêu gọi… thế nhưng về mặt tổng thể công tác cải tạo chung cư cũ dường như vẫn “dậm chân” tại chỗ. Để tháo gỡ “nút thắt” này, nhiều chuyên gia đề nghị thành phố nên có cơ chế chính sách đặc thù cho những nhà đầu tư vào cải tạo chung cư cũ. Mặt khác, thành phố cũng cần tăng cường tuyên truyền để các hộ dân cần thay đổi tư duy, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với thành phố và doanh nghiệp trong việc cải thiện điều kiện sống của chính gia đình mình…
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm