Phân khúc thị trường BĐS hứa hẹn “hái ra tiền” trong năm 2020

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 18-02-2020, 17:48 | Thị trường 24h

Năm 2019, bất động sản bán lẻ được nhận định là phân khúc sẽ bùng nổ trong năm 2020 với nhiều nền tảng ổn định và tiềm năng. Thế nhưng, ngay từ đầu năm 2020, phân khúc này đã vấp phải cú sốc corona khiến thị trường chững lại.

Bất động sản bán lẻ đã có một năm phát triển đầy ấn tượng khiến giới chuyên gia có cơ sở nhận định rằng 2020 sẽ là năm bùng nổ của phân khúc này. Số liệu từ Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho thấy vào năm 2019, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng ước tính tăng 11%. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng này vẫn đạt 9,5%/năm là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Số liệu của Viện Brookings cho biết, giai đoạn 2020-2025, mức tăng trưởng tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ cao nhất trong khu vực, đạt 19%. Con số này cao hơn nhiều so với mức 14% ghi nhận trong thập kỷ qua và cao hơn mức tăng bình quân dự kiến của toàn khu vực trong cùng giai đoạn 2020-25 là 11%.

Ngoài ra, với 90 triệu dân, Việt Nam đang thu hút các nhà bán lẻ với dân số tương đối trẻ, trong đó 70% ở độ tuổi từ 15 đến 64. Sự gia tăng của tầng lớp dân số trẻ vốn mạnh tay trong tiêu dùng và tầng lớp trung lưu trở thành động lực chính cho tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Năm 2020, bất động sản bán lẻ được nhận định sẽ tiếp tục cất cánh thế nhưng đại dịch corona khiến phân khúc này ngay thời điểm đầu năm đã phải đối mặt với khó khăn. Khảo sát của Batdongsan.com.vn tại các trung tâm thương mại lớn như Big C, Vincom Trần Duy Hưng, Royal City vốn luôn tấp nập khách ngày cuối tuần thì dịp cuối tuần sau Tết, do dịch bệnh, các trung tâm này khá vắng vẻ. 7h tối – thời gian cao điểm nhưng nhiều nhà hàng trong Big C vắng hơn hẳn so với các dịp cuối tuần thường lệ khác. Tương tự, khảo sát dọc các con phố Nguyễn Khang, Láng, Thái Thịnh, Yên Lãng (Đống Đa), Văn Cao, Liễu Giai (Ba Đình)… rất nhiều cửa hàng, đặc biệt là các cửa hàng ăn uống đã mở nhưng đều vắng khách. Một số cửa hàng thì vẫn đóng cửa do lo ngại dịch bệnh. Một chuỗi lẩu có 11 cơ sở tại Hà Nội cũng đã phải tạm đóng cửa 5 cơ sở, dự định mở lại vào cuối tháng 2 do vắng khách.

Ngay từ đầu năm 2020, dịch bệnh corona đã khiến phân khúc bán lẻ chững lại.

Dịch bệnh corona khiến người tiêu dùng có tâm lý hạn chế ra ngoài, tụ tập chỗ đông người nên thị trường tiêu dùng trở nên vắng vẻ hơn. Những người có ý định mở mặt bằng kinh doanh sau Tết cũng vì thế mà hoãn lại kế hoạch của mình.

Anh Khổng Văn Đang (Hoàng Cầu, Hà Nội) đã lên kế hoạch mở nhà hàng các món đặc sản vùng cao sau Tết. Trước Tết, anh đã tìm thuê mặt bằng nhưng chưa tìm được. Anh dự định ra Tết sẽ tìm tiếp nhưng đại dịch khiến anh quyết định gọi cho môi giới tạm hoãn lại. Anh Đang muốn chờ xem diễn biến tiếp theo của dịch bệnh rồi quyết định.

Lượng sinh viên, công nhân nghỉ Tết quá lâu vì đại dịch corona cũng khiến nhiều thị trường mặt bằng bán lẻ rơi vào tình trạng im lìm. Anh Vũ Công, người kinh doanh một quán đồ ăn vặt ở Đống Đa cho biết cửa hàng của anh có tập khách hàng chính là học sinh, sinh viên. Nhưng dịch bệnh khiến nhóm khách này có kì nghỉ Tết kéo dài nên quán của anh rất vắng khách. “Tôi lỗ nặng do phải gánh chi phí mặt bằng, tiền công nhân viên, nguyên vật liệu… mà khách quá ít”, anh Công cho biết.

Chị Nguyễn Huyền, môi giới mặt bằng bán lẻ khu vực Cầu Giấy cho biết, từ sau Tết, do sự bùng phát của dịch, không có nhiều khách tìm đến chị và đồng nghiệp để nhờ tìm mặt bằng kinh doanh như mọi năm. Nhiều khách, đặc biệt là khách kinh doanh F&B có nhu cầu từ trước Tết đều thông báo hoãn, đợi xem diễn biến của dịch rồi mới quyết định tiếp.

Anh Nguyễn Luật, môi giới mặt bằng khu Thanh Xuân cho biết, so với cùng kì năm ngoái, số lượng mặt bằng kinh doanh trống cao hơn hẳn, gần như không có khách hỏi. Trong khi đó, thời điểm sau Tết năm ngoái, anh nhận được rất nhiều lời đề nghị tìm mặt bằng kinh doanh.

Đáng chú ý, dù lượng khách hỏi thuê sụt giảm nhưng giá thuê thuộc các khu trung tâm thương mại, mặt tiền kinh doanh các tuyến đường lớn vẫn giữ nguyên, không có hiện tượng giảm giá. Theo chị Huyền, phần lớn các chủ mặt bằng đều cho rằng dịch bệnh chỉ mang tính ngắn hạn, tình trạng ế ẩm có thể là nhất thời nên không giảm giá.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại hạng A tại Hà Nội thuộc Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa vẫn có giá thuê phổ biến 30-40 USD/m2, hạng B vẫn giữ mức giá phổ biến 20-25 USD/m2,… Nguyên mặt bằng cho thuê trên các phố lớn Thái Hà, Tây Sơn (Đống Đa), giá thuê vẫn dao động phổ biến từ 35-55 triệu đồng/tháng. Những mặt bằng kinh doanh mặt ngõ thuộc khu vực Thái Hà, Thái Thịnh (Đống Đa) vẫn dao động từ 10-14 triệu đồng/tháng. Nhiều mặt bằng kinh doanh phố Tôn Tất Tùng (Đống Đa) vẫn có mức giá thuê phổ biến từ 20-30 triệu đồng/tháng. Mặt bằng kinh doanh có diện tích lớn các phố như Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo… vẫn giữ mức giá thuê dao động từ 85-90 triệu đồng/tháng.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm