Hình ảnh những cao tốc kết nối Hà Nội với 10 tỉnh phía Bắc

| 22-11-2019, 17:10 | Thị trường 24h

Sau khi khánh thành và đi vào hoạt động, các tuyến cao tốc với tổng vốn đầu tư hơn 128.000 tỷ đồng đã tăng tính kết nối giữa hơn 10 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc với thủ đô Hà Nội


Hình ảnh những cao tốc kết nối Hà Nội với 10 tỉnh phía Bắc
Bản đồ thể hiện sự kết nối giữa 9 tuyến cao tốc phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành-Bá Đô
Có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp lên thành 6 làn xe, dài 29km và đưa vào vận hành đầu năm 2019. Đây là tuyến cao tốc có lưu lượng xe di chuyển lớn nhất trong các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội. Với khoảng trên 50.000 lượt xe qua lại, ước tính doanh thu mỗi ngày từ cao tốc này là hơn 2 tỷ đồng.
Với nhiệm vụ tạo sự chuyển tiếp giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) với điểm cuối ở địa phận TP. Ninh Bình, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, có tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, được đưa vào vận hàng từ năm 2011. Đây là tuyến cao tốc có hệ thống cây keo lá tràm hai bên đầu tiên ở Việt Nam, tạo nên không khí trong lành cho cảnh quan.
Quy mô của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình gồm 4 làn xe với 2 làn ô tô mỗi bên và một làn dừng khẩn cấp, thiết kế vận tốc tối đa là 120 km/h. Trung bình cao tốc có khoảng 23.000-25.000 lượt xe qua lại mỗi ngày và mức phí được tính là 1.500 đồng/km.
Được khánh thành vào cuối tháng 9 năm 2019, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, dài 64km, rộng 25m, thiết kế 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với vận tốc 100km/giờ. Điểm đầu của cao tốc giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.

Thời gian thu hồi vốn theo tính toán của nhà đầu tư là trong vòng 17 năm (từ 2020 đến 2037) với 5 mức thu khác nhau, trong đó mức thu thấp nhất là 2.000 đồng/km đối với loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, cao nhất là 7.200 đồng/km áp dụng cho các loại xe tải có trọng lớn như container.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng vốn đầu tư là 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), được đưa vào vận hành từ cuối năm 2015 với quy mô chiều dài 105km, thiết kế 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ 120 km/h. Điểm đầu của tuyến đường giao cắt với vành đai 3 Hà Nội và kết thúc tại cảng Ðình Vũ thuộc địa phận quận Hải An, TP. Hải Phòng.

Mức phí thấp nhất là 210.000 đồng/105km với loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Tuyến cao tốc giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hải Phòng từ 2,5 giờ xuống còn 1 giờ.

Có tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, cao tốc Nội Bài - Lào Cai với chiều dài 265km được khánh thành toàn tuyến vào tháng 9/2014. Trong đó, điểm đầu nằm tại nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Đoạn Hà Nội – Yên Bái hiện có 4 làn xe với vận tốc tối đa là 100 km/h; còn đoạn Yên Bái – Lào Cai thiết kế 2 làn xe chạy với vận tốc tối đa đạt 80 km/h.

Có tất cả 13 trạm thu phí trên toàn tuyến cao tốc và 5 trạm dừng nghỉ tại địa bàn 5 tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái lên đến Lào Cai. Mức thu phí thấp nhất hiện đang là 300.000 đồng, được áp dụng đối với loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, cao nhất là 1,2 triệu đồng/lượt đối với loại xe có trọng tải lớn như container

Sau khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào vận hành sẽ giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai giảm từ 7 tiếng xuống còn 3,5 tiếng.

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, dài 60km, rộng 34,5m, thiết kế 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa đạt 100 km/h cũng được đưa vào vận hành từ năm 2014, chạy qua các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Khi đi vào hoạt động, cao tốc giúp giảm thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Thái Nguyên từ 3 giờ xuống chỉ còn hơn 1 giờ.

Được khánh thành hồi tháng 9/2018, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được đầu tư với tổng vốn hơn 13.000 tỷ đồng, có điểm đầu tại quốc lộ 18 (phường Đại Yên, TP. Hạ Long), điểm cuối giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng chiếm hơn 1/2 tổng mức đầu tư với 7.270 tỷ đồng có chức năng nối liền 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng và trở thành điểm nhấn của dự án. Mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt được áp dụng với loại xe từ 12 chỗ trở xuống và là 200.000 đồng/lượt đối với xe container. Chủ đầu tư dự án là Công ty BOT cầu Bạch Đằng cho biết, với khoảng hơn 300.000-400.000 lượt phương tiện di chuyển qua cao tốc mỗi tháng, khoản phí thu về được là từ 15 - 20 tỷ đồng.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 60km, rộng 24,5m, thiết kế tốc độ di chuyển của phương tiện giao thông đạt 100 km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng theo hình thức BOT được khánh thành vào năm 2019. Điểm đầu của cao tốc nằm ở quốc lộ 18 (phường Đại Yên, TP. Hạ Long), điểm cuối cao tốc giao với trục chính vào sân bay Vân Đồn. Cao tốc chạy chủ yếu qua địa phận đồi núi quanh co. Mức phí thấp nhất là 65.000 đồng, cao nhất là 435.000 đồng.
Đại lộ Thăng Long với tổng chiều dài hơn 29km, rộng hơn 140m, thiết kế 2 dải đường cao tốc quy mô 3 làn xe/chiều, 2 dải đường đô thị 2 làn xe và dải phân cách giữa, được khánh thành vào đúng thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (năm 2010). Dự án nhằm tạo sự kết nối giữa vành đai 3 Hà Nội (đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến), chạy qua địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, kết thúc tại ngã tư giao với quốc lộ 21A (km 31 + 64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh).
Ngoài các hạng mục nêu trên, dự án còn có 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Với tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, hiện đây đang là cao tốc duy nhất kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc không thu phí các phương tiện giao thông qua lại.


(Theo vnexpress)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm