Nên giữ ngành nghề kinh doanh quản lý vận hành nhà chung cư

| 11-10-2019, 10:20 | Thị trường 24h

Bộ Xây dựng đề nghị không bãi bỏ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ liên quan đến quản lý nhà chung cư.


Tại Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ 17 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong đó có nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư.



Nên giữ ngành nghề kinh doanh quản lý vận hành nhà chung cư

Quản lý vận hành nhà chung cư phải là đơn vị chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản

Trao đổi riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng - đơn vị được giao nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư cho biết, Bộ đã gửi văn bản đề nghị không bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, bao gồm lĩnh vực Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư.

Theo ông Hưng, nhà chung cư là xu hướng phát triển chủ yếu tại các đô thị, là nơi tập trung đông người, hình thành các cộng đồng dân cư mật độ lớn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây ra mất an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng.

Mặt khác, hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư là một chuỗi các hoạt động phức tạp mang tính chất kỹ thuật đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều chủ thể có liên quan.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư có liên quan chặt chẽ tới chất lượng công trình xây dựng, an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đáp ứng điều kiện vì trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nên không thể bãi bỏ.

"Mặc dù bản chất để cho thị trường quyết định nhưng cũng phải nhìn vào thực tế. Để cho cư dân tự quản lý sẽ luôn luôn có xung đột xảy ra bởi vì cư dân chung cư rất đa dạng, rất khó phân công cụ thể cho ai để tự quản. Việc quản lý chung cư cần các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các pháp nhân có thể chịu trách nhiệm pháp lý" - Ông Hưng cho biết.

Ở góc độ chuyên gia, ông Bùi Đức Hưng – Nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho rằng, đề xuất bỏ ngành nghề quản lý vận hành nhà chung cư là không phù hợp về mặt thực tiễn, không có cơ sở khoa học.

Theo ông Bùi Đức Hưng, quản lý vận hành nhà chung cư là tập hợp các công việc mà nhân viên quản lý phải được đào tạo, bồi dưỡng như một nghề nghiệp.

Đó là kỹ năng nghiệp vụ về cấp thoát nước; về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; về khai thác, sử dụng thang máy; về quản lý, sử dụng hệ thống điện sinh hoạt, điện tử và chiếu sáng; về vệ sinh, phòng dịch; về an ninh, trật tự và nghiệp vụ bảo vệ; về nghiệp vụ tài chính, quản trị; về luật pháp; về kỹ năng giao tiếp... yêu cầu nhân viên quản lý vận hành nhà chung cư phải được học, kiểm tra và cấp chứng chỉ.

Các chủ đầu tư trực tiếp quản lý hoặc các tổ chức (doanh nghiệp) quản lý, vận hành nhà chung cư phải có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện việc quản lý, vận hành nhà chung cư về nhân lực, về trang thiết bị, về cơ sở vật chất, về tài chính... theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn.

Ông Bùi Đức Hưng cũng chia sẻ, nhà chung cư là công trình thuộc hạng có thể có nguy cơ gây ra thảm họa nên ngoài các yêu cầu về chất lượng công trình, sự tiện ích thì công việc quản lý, vận hành là vô cùng quan trọng và có yêu cầu nghiêm ngặt, đòi hỏi tính chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá cao.

Khoa học - công nghệ càng phát triển, đô thị càng hiện đại thì yêu cầu trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư càng cao, càng tiên tiến.

“Do vậy quản lý vận hành nhà chung cư phải là đơn vị chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Nếu bỏ điều kiện trên sẽ không đảm bảo thực tiễn quản lý vận hành nhà chung cư” – ông Hưng khẳng định.

THIÊN BÌNH

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm