Cảnh giác trước nạn dùng sổ đỏ giả lừa bán nhà đất

| 14-09-2019, 10:30 | Thị trường 24h

Dù cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo và xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến chiêu dùng sổ đỏ giả để lừa mua bán nhà đất, song vấn nạn này vẫn ngang nhiên tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.


Vấn nạn sổ đỏ giả

Mới đây, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng đã gửi đến các cơ quan chức năng cùng người dân văn bản cảnh báo về tình trạng sổ đỏ giả trên địa bàn TP.

Theo nội dung văn bản, tình trạng làm sổ đỏ giả (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền đất để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân, doanh nghiệp đã xuất hiện tràn lan trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong suốt thời gian qua, làm ảnh hưởng đến vấn đền an ninh của địa phương, gây hoang mang cho người dân. Do đó, Sở đã đề nghị các cơ quan chức năng tại địa phương cần theo dõi, nắm bắt tình hình chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn vấn nạn này. Đồng thời, người dân cũng cần đề cao cảnh giác để không vướng vào bẫy lừa sổ đỏ giả của các đối tượng lừa đảo.

Trước đó, Công an TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Công (sinh năm 1987, ngụ đường Nguyễn Công Trứ, phường 2, TP. Bảo Lộc) để điều tra về tội làm giả sổ đỏ nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua đất.

Trong quá trình làm việc với Công an TP. Đà Lạt, Công khai báo có liên hệ với ông Đ.H.A. để hỏi mua lô đất 5.700m2. Sau khi dò hỏi thông tin và xin giấy chứng nhận phô tô của thửa đất, người này đã làm giả sổ đỏ đứng tên mình và bán cho ông Đ.T.L. với giá 30 tỷ đồng.

Cảnh giác trước nạn dùng sổ đỏ giả lừa bán nhà đất
Thủ đoạn làm sổ đỏ giả ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện, khiến không ít người mua nhà đất dính bẫy lừa đảo. Ảnh: Gia Khiêm

Qua kiểm tra giấy tờ, ông L. đồng ý mua toàn bộ khu đất với giá tiền trên và chuyển 300 triệu đặt cọc cho Công. Nhưng do không lo được đủ tiền mua đất nên ông L. lại chuyển nhượng tiếp cho bà C.K.P. với giá 30 tỷ đồng. Sau khi hợp đồng chuyển nhượng được ký kết xong xuôi, bà P. chuyển số tiền 25 tỷ đồng vào tài khoản của Công. Nhưng khi ông L. và bà P. đến UBND TP. Đà Lạt thực hiện thủ tục sang tên thì phát hiện sổ đỏ của khu đất trên là giả.

Tại TP.HCM, theo con số thống kê sơ bộ, TP đã phát hiện có trên 300 vụ lừa đảo liên quan đến việc dùng sổ đỏ giả để thực hiện giao dịch mua bán nhà đất. Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ nên các sổ đỏ giả được làm rất tinh vi, khó có thể phát hiện cho đến khi được đưa đến các cơ quan chức năng để làm thủ tục công chứng sang tên. Nhưng đến khi thực hiện thủ tục công chứng thì người mua nhà đất đã bị lừa một khoản tiền kha khá, từ vài chục đến vài trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng.

Người mua nhà đất cần làm gì để tránh bẫy sổ đỏ giả?

Hành vi làm sổ đỏ giả để lừa đảo trong giao dịch nhà đất ngày càng nhiều, hoạt động có tổ chức cùng các thủ đoạn tinh vi. Do đó, người mua bất động sản cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và liên tục cập nhập thông tin để tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu, dẫn đến mất trắng tiền của tích cóp cả đời. Cụ thể:

Cần kiểm tra đầy đủ thông tin về nhà đất định mua như: chủ sở hữu, vị trí chính xác của nhà đất trên giấy tờ và thực địa có khớp nhau không, tài sản có nằm trong diện tranh chấp, cầm cố, quy hoạch hay thu hồi không...

Đến trực tiếp nhà đất định mua để kiểm tra thực tế bằng cách dò hỏi thông tin từ những người đang quản lý nhà đất, từ hàng xóm xung quanh và người liên quan về nguồn gốc đất. Cẩn thận hơn, người mua nên đến UBND phường nơi có nhà đất để tìm hiểu các thông tin cơ bản.

Phải thực hiện công chứng, chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền trên đất cũng như hợp đồng mua bán nhà đất, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng luật định. Bởi, giá trị của giao dịch cũng như quyền sở hữu của người mua đối với nhà đất chỉ thực sự chắc chắn và được công nhận về mặt pháp lý khi nộp xong khoản thuế trước bạ.

Không thanh toán tiền khi thủ tục chuyển nhượng chưa hoàn tất. Trên thực tế, không có gì đảm bảo người mua nhà đất sẽ không bị lừa khi chưa hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán, nhận sổ và bàn giao sản phẩm. Đó là chưa kể có những trường hợp chủ nhà đất bắt người mua phải thanh toán trước một phần giá trị của tài sản để chi trả cho các khoản phí thủ tục. Trong trường hợp này, người mua nhà đất cần cương quyết không giao bất kỳ khoản tiền nào cho đến khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng. Có như vậy mới tránh được những mánh khóe lừa đảo của kẻ xấu, trong đó có cú lừa sổ đỏ giả khiến người mua nhà đất mất oan tiền của.

Thanh Hà (TH)

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm