Bị “chặt” nửa căn nhà vì dính lộ giới hẻm

| 26-08-2019, 16:10 | Thị trường 24h

Không tìm hiểu kỹ thông tin về ranh lộ giới khi mua nhà đất, nhiều người phải chấp nhận sống trong nhà cũ đã xuống cấp, không được xây mới và cũng không bán được.




Bị “chặt” nửa căn nhà vì dính lộ giới hẻm

Nhà nằm trong hẻm càng nhỏ thì rủi ro pháp lý càng lớn. Ảnh minh họa

Cảm thấy bất tiện khi sống tại chung cư và cũng muốn mua đất coi như một cách giữ tiền nên tháng 6/2017, anh Ngọc quyết định đi tìm mua nhà trong hẻm tại quận 7, TP.HCM.

Anh cẩn thận mang sổ đỏ photo đi hỏi để chắc chắn nhà không bị vướng quy hoạch hay dính tranh chấp. Chỉ có một điều anh băn khoăn là con hẻm nhỏ không biết bao giờ mới được mở rộng. Chủ nhà cũng đồng ý sẽ đảm bảo giữ nguyên diện tích 41m2 của ngôi nhà cho anh, không trừ đi hẻm lộ giới khi làm giấy tờ sang tên.

Anh Ngọc nhận nhà và sổ đỏ sau khi đặt cọc được 2 tháng. Chỉ đến khi khoe một người anh họ vốn có nhiều kinh nghiệm mua bán nhà đất, anh mới nhận ra mình đang trong cảnh “nguy hiểm” bởi dù diện tích nhà trên giấy tờ là 41m2 nhưng nhà anh có 2 cái ranh lộ giới đi qua.

Thực ra, anh đã xem bản đồ lúc mua nhà nhưng không hiểu chữ viết tắt Ranh LG và đường gạch đứt có ý nghĩa gì. Nếu mở đường, diện tích thực của ngôi nhà sẽ chỉ còn hơn 20m2. Và dù có được nhà nước đền bù thì số tiền anh nhận vẫn là quá ít so với tiền anh bỏ ra mua nhà.

Sau khi biết chuyện, ở nhà mới chưa được bao lâu thì anh Ngọc lại lo rao bán nhà để tránh gặp bất trắc sau này. Vì khách xem nhà chủ yếu là dân đầu cơ nên họ nhìn là biết rõ lộ giới và không thèm trả giá. Cho đến qua Tết, anh mới bán được nhà cho một cô gái trẻ được bố mẹ ở quê cho tiền mua nhà. Sau khi trừ tất cả các chi phí, số tiền lãi anh Ngọc thu được chỉ còn 27 triệu đồng, thấp hơn tiền lãi thu được nếu gửi ngân hàng.

Cũng liên quan đến ranh lộ giới, chị Nguyễn Thị Lan (quận Bình Tân) kể, chị phải chấp nhận ở trong ngôi nhà cũ đã phải nâng cấp, sửa chữa 3 lần mà không dám xây mới. Ngôi nhà của chị nằm trong con hẻm nhỏ ở phường Bình Trị Đông A, có diện tích chỉ 28m2, chiều dài 7m, chiều rộng 4m.

Năm 2008, khi đi làm sổ hồng, chị mới biết nhà mình bị dính lộ giới hẻm, bị “chặt” mất hơn một nửa căn nhà. Chị Lan kể, con hẻm này bao nhiêu năm vẫn vậy, không hề được mở rộng. Nhà chị dù đã xuống cấp nhưng chỉ được sửa chữa mà không được xây mới. Nếu chấp nhận xây mới nhà, diện tích được xây dựng chỉ được trong phạm vi 4m chiều rộng và 3m chiều dài.

Không ít người mua nhà đã rơi vào cảnh ở không được, bán không xong vì mua phải nhà dính ranh lộ giới. Lộ giới hay còn gọi là chỉ giới đường đỏ, là phần không được xây dựng từ cột mốc chỉ giới đường đỏ sang 2 bên.

Nhà nước đánh mốc lộ giới để nói rằng phần đất đó sau này có thể mở rộng hẻm, đường, người dân không được xây dựng các công trình kiên cố trên phần đất đó. Do đó, Nhà nước sẽ không cấp giấy phép xây dựng cho những bản vẽ vi phạm lộ giới, nếu cố tình vi phạm sẽ bị phạt, yêu cầu phả bỏ và có thể phải cưỡng chế phá dỡ.

Độ rộng tối thiểu của hẻm theo quy định là 3,5m. Các nhà môi giới nhận định, nhà nằm trong hẻm càng nhỏ thì rủi ro càng lớn. Nếu lộ giới hẻm đang nhỏ thì có khả năng hẻm phải được quy hoạch lại. Đặc biệt, nếu quy hoạch treo, chủ nhà sẽ không được cơi nới, xây mới nhà hay thay đổi hiện trạng ngôi nhà.

Do đó, khi mua nhà đất, người mua cần tỉnh táo khi kiểm tra giấy tờ nhà, đặc biệt là ranh lộ giới. Muốn đảm bảo chắc chắn, người mua nhà có thể đến phòng Tài nguyên và Môi trường để hỏi chính xác thông tin.

PHÙNG DUNG

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm