Khốn khổ vì thẩm định

| 16-08-2019, 07:20 | Thị trường 24h

Một dự án bất động sản chịu tới 6 lần thẩm định, lãng phí thời gian, chi phí của doanh nghiệp, của nhà nước và xã hội.




Khốn khổ vì thẩm định

Việc thẩm định kỹ thuật và giám sát các dự án bất động sản là hoạt động thường xuyên của đơn vị tư vấn giám sát

Mới đây, tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu sửa Luật Xây dựng phải theo tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, chống tư tưởng xin - cho, tiêu cực, lãng phí.

Quá nhiều bước thẩm định

Từ thực tế hoạt động, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP.Invest) cho biết, để giải quyết vướng mắc thủ tục hành chính thì luật pháp là yếu tố cơ bản. Đơn cử theo quy định trong Luật Xây dựng, việc thẩm định đang được quy định quá phức tạp, không đúng vai.

Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên là nơi đưa ra các quy định chung về quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện công tác thẩm tra. Còn việc thẩm định dự án, nhất là thẩm định thiết kế thì nên để các công ty tư vấn làm, nhà nước chỉ đứng ra chỉ định.

Do nhà nước hiện nay được giữ vai trò thẩm định cho nên sau khi một dự án được cấp phép sẽ có 3 cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan phòng cháy chữa cháy cùng thẩm định một dự án. Doanh nghiệp muốn có giấy phép phải xin thẩm định ở 3 nơi, trải qua 3 bước khác nhau.

Tiếp đó, đến khi có thiết kế cơ sở cũng lại tiếp tục 3 bước thẩm định đó, thời gian đôi khi mất cả năm trời, tốc độ triển khai dự án bị chậm lại, doanh nghiệp mất cơ hội. Thống kê cho thấy, Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chỉ phê duyệt 6 dự án (khi mà TP hiện có tới gần 10 triệu dân).

Luật cần tạo “sân chơi”

Góp ý về dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cần phải tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, liên quan về thủ tục dự án đầu tư xây dựng, Nhà nước cần tăng cường việc kiểm soát các dự án đầu tư xây dựng thông qua thẩm định dự án. Do đó, cần có sự phân cấp để minh bạch và quản lý tốt dự án. Mà để làm tốt việc này, trước hết cần phải phù hợp với quy định về mặt quy hoạch, các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật… phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thứ hai, Luật Xây dựng 2014 có yêu cầu thẩm định thiết kế kỹ thuật. Phần việc này hiện nay Nhà nước đang can thiệp rất nhiều, nên đã kéo dài thời gian gây ảnh hưởng tới dự án và chủ đầu tư.

Đối với thiết kế cơ sở cần nêu các điều kiện về quy hoạch, tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, lợi ích cộng đồng (an toàn môi trường, an toàn sinh mạng…). Đối với đơn vị thi công, cũng cần có sự phân định trách nhiệm rõ ràng của nhà thầu. Nhà thầu thi công cần có trách nhiệm chính về chất lượng cũng như việc đảm bảo tiến độ thi công, còn đối với chủ đầu tư giám sát, không nên đưa quá nhiều thành phần giám sát.

Theo ông Chủng, chỉ cần 2 người có trách nhiệm trong việc giám sát, đó là nhà thầu thi công và người tư vấn giám sát chủ đầu tư. Nếu Nhà nước kiểm tra, chỉ nên kiểm tra có tuân thủ kỹ thuật hay không còn lại trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà thầu thi công, tiếp đến là tư vấn giám sát. Luật chỉ cần quy định “sân chơi” minh bạch và rõ ràng, tuy nhiên phải có quy định rõ về người chịu trách nhiệm.

Thứ ba, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cũng cần có quy định, chế tài về khâu hậu kiểm. Khâu hậu kiểm cần tuân thủ pháp luật, minh bạch rõ ràng và đúng chức năng nhiệm vụ, hạn chế chồng chéo trong thanh tra quá nhiều mà vẫn bỏ lọt các lỗi. Thí dụ, đối với mỗi dự án, khâu hậu kiểm chất lượng sẽ bao gồm hậu kiểm những gì? Các hạng mục đã được nghiệm thu chưa, ai nghiệm thu, có tuân thủ hay không?

Đối với hình thức quản lý, ông Chủng cho rằng, Luật cần minh bạch giữa bộ phận quản lý dự án và chủ đầu tư. Bởi vì, đây là hai đối tượng cần có sự độc lập. Quản lý dự án là nghề nghiệp đòi hỏi có năng lực chuyên môn, còn chủ đầu tư là người có tiền.

HỒNG HƯƠNG
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm