Doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản bị tố om quỹ bảo trì

| 25-04-2023, 14:16 | Thị trường 24h

Ban quản trị tòa nhà chung cư CT4 Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) - (BQT-CT4) vừa gửi đơn tới các cơ quan chức năng về thực trạng cấp thiết liên quan đến bàn giao kinh phí bảo trì toà nhà chung cư CT4 Xa La (toà nhà CT4 Xa La) và sự xuống cấp cần nhanh chóng có kinh phí bảo trì sửa chữa của tòa nhà.

Doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản bị tố om quỹ bảo trì

Toà nhà CT4 Xa La.


Theo đơn, toà nhà CT4 Xa La gồm 3 đơn nguyên với tổng số hơn 1253 căn hộ và ki ốt thương mại, chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (mã số doanh nghiệp: 5600128057, do ông Lê Thanh Thản là người đại diện pháp luật), được bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2012. Ban quản trị toà nhà được UBND quận Hà Đông ra quyết định công nhận lần 1 ngày 27/1/2017 (nhiệm kỳ 2017-2020), và quyết định công nhận lần 2 ngày 16 tháng 11 năm 2021 (nhiệm kỳ 2021-2024).

Tuy nhiên, kể từ khi BQT-CT4 được thành lập ngày 27/01/2017, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã phớt lờ quy định của pháp luật, không chuyển giao kinh phí bảo trì cho BQT-CT4, khiến toà nhà hiện trong tình trạng hư hỏng xuống cấp nhưng không có kinh phí bảo trì, gây uy hiếp an toàn phòng cháy chữa cháy và an toàn cho cư dân.

Trước đó, năm 2015, tại toà nhà CT4 Xa La đã xảy ra một vụ hỏa hoạn đã bất ngờ tại tầng hầm của chung cư CT4A. Sự việc trên đã có tới 35 xe máy bị hư hỏng hoàn toàn, 375 xe máy bị cháy một phần.

Ngoài ra còn có 45 xe đạp và một ôtô bị ảnh hưởng bởi nhiệt. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ kết cấu của tầng hầm tòa nhà đã bị thiệt hại nghiêm trọng.

Cùng đó, BQT-CT4 cũng kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của toàn bộ cư dân tòa nhà chung cư CT4 Xa La, cụ thể:

Thứ nhất, giá bán căn hộ do chủ đầu tư bán cho các chủ sở hữu căn hộ đã bao gồm 2% phí bảo trì. Trong hợp đồng mua bán đã ghi rõ Giá bán đã bao gồm 2% phí bảo trì, và các chủ sở hữu đều đã thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà theo quy định. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chây ỳ không chuyển giao kinh phí bảo trì toà nhà cho BQT-CT4. 

Thứ hai, mặc dù BQT-CT4 đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư chuyển giao kinh phí bảo trì, và chính quyền đã một số lần tổ chức họp chỉ đạo yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng chủ đầu tư vẫn không hợp tác.

Thứ ba, mặc dù BQT-CT4 được UBND quận Hà Đông công nhận lần 1 ngày 27/01/2017 nhưng chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì 2% mà tự ý chi tiêu không thông qua BQT-CT4 và không báo cáo Hội nghị nhà chung cư.

Thứ tư, Chủ đầu tư chưa thống kê và nộp kinh phí bảo trì cho các phần diện tích Chủ đầu tư giữ lại, bao gồm: Các diện tích thương mại tại tầng 1, các căn hộ tầng 35. 

Thứ năm, Chủ đầu tư chưa thống kê giá trị lãi tiền gửi ngân hàng của quỹ bảo trì.

Thứ sáu, các chi phí của tòa nhà trong các năm 2013 đến hết năm 2017 được hạch toán chi từ quỹ bảo trì là sai vì trong thời gian này thuộc trách nhiệm bảo hành công trình của Chủ đầu tư.

Thứ bảy, các khoản chi hạng mục làm mới (chủ yếu là chi phí làm mới hệ thống phòng cháy chữa cháy, làm mới trần thạch cao…), các khoản chi vận hành tòa nhà được hạch toán chi từ nguồn kinh phí quỹ bảo trì là sai vì theo quy định quỹ bảo trì chỉ chi cho sửa chữa các hạng mục công trình đã có.

BQT-CT4 cũng thông tin thêm, hiện nay toà nhà CT4 đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và không có kinh phí bảo trì là rất nguy hiểm và uy hiếp an toàn toà nhà và an toàn phòng cháy chữa cháy. Do tòa nhà CT4 đã đưa vào sử dụng được hơn 10 năm (từ 2012 đến nay), nên các hạng mục bắt đầu xuống cấp, một số hệ thống xuống cấp nghiêm trọng. Việc duy tu, bảo trì định kỳ là bắt buộc, và cần phải có nguồn kinh phí bảo trì lớn để bảo trì và sửa chữa, nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm cho cư dân. 

Nếu không có kinh phí bảo trì thì toà nhà chung cư CT4 Xa La sẽ trong tình trạng rất nguy hiểm. Hệ thống phòng cháy chữa cháy không được bảo trì bảo dưỡng sẽ uy hiếp đến tính mạng cư dân khi cháy nổ xảy ra; hệ thống thang máy không được sửa chữa kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người dân; cũng như việc ngấm, rò rỉ nước của tòa nhà không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng đến kết cấu toà nhà, cũng như tính mạng của người dân nếu chập cháy xảy ra.  

Hiện trạng trên là rất cấp thiết và nghiêm trọng. Việc chây ỳ chuyển giao kinh phí bảo trì toà nhà của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên không những vi phạm quy định pháp luật, mà còn đang đặt 1253 hộ dân toà nhà CT4 trong tình trạng nguy hiểm vì toà nhà không được bảo trì sửa chữa kịp thời vì không có kinh phí bảo trì. 

Trước đó, BQT-CT4 cũng đã 3 lần gửi văn bản đến UBND thành phố Hà Nội, gồm công văn số 148/BQT-CT4 ngày 09/5/2022, số 161/BQT-CT4 ngày 14/6/2022 (lần 2),  số 171/BQT-CT4 ngày 1/8/2022 (lần 3), đề nghị UBND thành phố Hà Nội xử lý kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà chung cư CT4 Xa La nhưng đều không nhận được phản hồi. 

Cũng liên quan đến quỹ bảo trì, chiều 24/4, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin tại buổi Họp báo quý 1/2023 của Bộ Xây dựng. Qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản xử phạt 12 chủ đầu tư sai phạm trong sử dụng phí bảo trì nhà chung cư, tổng số tiền phạt 13,3 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, sau khi tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những sai phạm, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện một số công việc: Khi đủ điều kiện theo quy định thì phải tổ chức hoặc đề nghị UBND cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu; Thống nhất với Ban quản trị về phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở để bàn giao quỹ bảo trì chung cư; Bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị...

Ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, còn được gọi với tên 'đại gia điếu cày', bị truy tố về tội lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).

Trong cùng vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng truy tố 6 cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì có liên quan đến sai phạm của đại gia Lê Thanh Thản.

Trong đó có các bị can Nguyễn Duy Uyển - Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; Vương Đăng Quân - nguyên phó chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông và Mai Quang Bài - cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông, và 3 người khác.

Ông Thản bị khởi tố cách đây hơn 2 năm rưỡi từng gây xôn xao dư luận. Cơ quan cảnh sát điều tra nhiều lần ra kết luận đề nghị truy tố ông Thản và bị viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Đây là lần đầu tiên viện kiểm sát truy tố, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân TP Hà Nội để xét xử chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản. Ông Thản cũng là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes.

Kết luận từ cơ quan điều tra xác định ông Thản đã thu lời bất chính hơn 534 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 56 tỉ đồng cho 488 khách hàng mua phải các căn hộ không được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên sau khi trừ tiền thuế thì xác định ông Thản đã thu lời bất chính hơn 480 tỉ đồng.


VD
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm