HoREA: Lãi suất 8,2%/năm hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao

| 7-04-2023, 10:01 | Thị trường 24h

Chính phủ vừa duyệt đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp với nhiều nội dung đáng chú ý như: bổ sung hình thức huy động vốn từ nước nước ngoài, 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng…

Để thực hiện đề án, trước mắt Bộ Xây dựng phối với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với thị trường.

Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm và đối người mua nhà là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

HoREA: Lãi suất 8,2%/năm hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao

HoREA cho rằng "lãi suất 8,2%/năm hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao".


Về lãi suất cho vay, áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Về vấn đề này, Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của gói tín dụng này là 8,2%/năm vẫn rất cao, nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo HoREA, với quy định lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng 5 năm với người mua nhà và 3 năm với chủ đầu tư, sau đó sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận thì thời gian như vậy là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.

Nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường thì đây sẽ càng là gánh nặng cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động.

Do vậy, về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi và huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội thật hiệu quả, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, HoREA đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội theo hướng xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương.

HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất theo kế hoạch chi ngân sách nhà nước trung hạn tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Hoàng Tư
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm