HTP bị 2.106 tỷ đồng trái phiếu “đè nặng”

| 9-02-2023, 19:26 | Thị trường 24h

Bị “đè nặng” vì nợ nần

Công ty Cổ phần In sách giáo khoa Hòa Phát (HTP) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với lợi nhuận “rơi tự do”.

Cụ thể, trong năm 2022, dù doanh thu tăng 51,4 tỷ đồng, tương đương 216% lên 75,2 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại “lao dốc” khi giảm 50,4 tỷ đồng, tương đương 90,5% so với năm 2021.  

HTP bị 2.106 tỷ đồng trái phiếu “đè nặng”

Trích báo cáo tài chính quý IV năm 2022 của HTP.


Nguyên nhân là do các chi phí chính, đặc biệt chi phí lãi vay tăng rất mạnh. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 6,6 tỷ đồng lên 14,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 69,5 tỷ đồng, tương đương 250% lên 97,3 tỷ đồng. Trong đó, chí phí lãi vay tăng vọt từ 27,6 tỷ đồng lên 76,5 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay bứt tốc đến từ khối nợ khổng lồ của công ty. Tại ngày 31/12/2022, Nợ phải trả của HTP đạt 3.803 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay lên tới 2.163 tỷ đồng, bao gồm 651 tỷ đồng Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 1.512 tỷ đồng Vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Nợ lớn nên chi phí lãi vay rất cao khiến lợi nhuận HTP “lao dốc”.

Chuyển sang bất động sản, “ôm” 2.106 tỷ đồng trái phiếu

Trong cơ cấu nợ của HTP, đa số đến từ trái phiếu. Tại ngày 31/12/2022, HTP ghi nhận 600 tỷ đồng Trái phiếu của Công ty cổ phần Hưng Vượng Developer (Công ty Hưng Vượng Developer), 1.462 tỷ đồng Trái phiếu của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt và 44,2 tỷ đồng Trái phiếu Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (Công ty Danh Việt) phát hành mới.

Tài sản đảm bảo là Toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác, tiêu thụ sản phẩm tại dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (tên thương mại là dự án Venezia Beach) thuộc sở hữu của Công ty Danh Việt; Toàn bộ cổ phần của Danh Việt và Các tài sản khác thuộc sở hữu của bên thứ ba,…

Có thể thấy, trái phiếu do Công ty Danh Việt và Hưng Vượng Developer phát hành nhưng lại được ghi nhận vào Nợ phải trả tại HTP. Đó là do trước đây, HTP đã thâu tóm hai đơn vị này để “chuyển mình” ngoạn mục từ một công ty ngành in sách sang bất động sản.

Cụ thể, đầu năm 2021, giới đầu tư chứng khoán chú ý tới thông tin công ty bé hạt tiêu ngành sách là HTP bất ngờ hoàn tất phát hành 90 triệu cổ phiếu nâng vốn điều lệ lên 918 tỷ đồng để lấn sân sang bất động sản.

Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (tên thương mại Venezia Beach).


Sau khi huy động vốn thành công, HTP đã chi 902 tỷ đồng (tương đương 11.900 đồng/CP) để mua 62,75% vốn Hưng Vượng Developer. Sau khi thương vụ hoàn tất, HTP sở hữu gián tiếp Công ty Danh Việt, Công ty TNHH Hưng Vượng AMC, Công ty TNHH Hưng Vượng Hospitality.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, cổ đông HTP đã thông qua 2 phương án tăng vốn bao gồm phát hành hơn 91,8 triệu cổ phiếu. Số tiền thu được từ hai đợt chào bán trên khoảng 1.221 tỷ đồng.

Trong đó, HTP sẽ dùng 621,8 tỷ để mua cổ phần Hưng Vượng Developer và 100 tỷ đồng mua cổ phiếu sơ cấp do Hưng Vượng Developer phát hành thêm để tăng tỷ lệ sở hữu lên 99%; 495 tỷ đồng mua phần vốn góp tại Bách Phú Thịnh, mục tiêu sở hữu 99%; và 4,2 tỷ đồng để bổ sung vốn hoạt động HTP.

Tuy nhiên, tới ngày 31/12/2022, HPT vẫn sở hữu 62,75% vốn Hưng Vượng Developer.

Cổ đông “lướt sóng”

Cú “lột xác” ngoạn mục từ sách sang bất động sản này đã “cứu rỗi” cổ phiếu HTP. Trước đó, trong suốt thời gian dài, cổ phiếu HTP bị nhà đầu tư “ghẻ lạnh” khi có thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). Thậm chí, HTP thường xuyên trong tình trạng không phát sinh giao dịch.

Tuy nhiên, kể từ khi HTP chuyển mình sang bất động sản từ hồi đầu năm 2021, HPT bứt phá ngoạn mục.

Sau chuỗi tháng dài tăng liên tục, tới phiên 14/9/2022, HTP đạt “đỉnh” 51.400 đồng/CP, tăng 41.400 đồng/CP, tương đương 414% so với phiên cuối cùng của năm 2020.

Khi cổ phiếu HTP tăng mạnh mẽ, các cổ đông lớn của công ty ồ ạt bán ra kiếm lời.

Khi HTP phát hành 90 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 918 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông tại HTP bao gồm: bà Nguyễn Thị Kim Hiếu (25 triệu, tương đương tỷ lệ sở hữu 27,2%), Võ Mỹ Tiên (25 triệu, tương đương 27,2% vốn), Mai Lê Hồng Sương (22,4 triệu, tương đương 24,4% vốn), Nguyễn Thu Thảo (4,4 triệu, tương đương 4,8% vốn), Trương Hiền Vũ (4,4 triệu), Hồng Bảo Ngân (4,4 triệu), Trịnh Ngọc Khánh (4,4 triệu).

Sau khi các cổ đông “lướt sóng” và chốt lời, tại ngày 31/12/2022, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông giảm sâu: bà Nguyễn Thị Kim Hiếu (21,79%), Võ Mỹ Tiên (16,76%), Mai Lê Hồng Sương (10,2%),…


Mộc Hương
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm