Đại biểu Quốc hội: Số lượng hồ sơ tham dự các gói thầu rất ít

| 15-11-2022, 17:32 | Thị trường 24h

Thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 15/11, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hạn chế lớn nhất trong đấu thầu trong thời gian vừa qua là số lượng tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng (bình quân hơn 1 hồ sơ). Điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao, nguyên nhân có thể thông tin được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia.

Chính vì vậy, để hạn chế việc cài cắm thông tin cần quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong Luật Đấu thầu dành một chương quy định thật chi tiết những nội dung của hồ sơ mời thầu.

Đại biểu Quốc hội: Số lượng hồ sơ tham dự các gói thầu rất ít

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).


Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho biết, trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 21, cần bổ sung nội dung chỉ định thầu các gói thầu tư vấn xây lắp, tư vấn giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, gói thầu kiểm lâm, gói thầu hạ tầng di chuyển điện, gói thầu hạ tầng tái định cư, gói thầu tư vấn chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức thẩm định trong dự án Luật, cụ thể, tổ chức thẩm định phải chịu trách nhiệm chính về tính đúng đắn của dự án, đồ án, kiến trúc, kết cấu, khối lượng, đơn giá, và phải chịu trách nhiệm chính trước cơ quan thanh tra kiểm toán khi có kết luận sai phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu bồi thường thiệt hại.

Thảo luận tại phiên họp, để khắc phục những tồn tại đã được được chỉ ra trong thời gian qua, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cho rằng phải quy định chi tiết về hồ sơ mời thầu, tránh việc đưa ra nhiều thông số kỹ thuật đối với gói thầu mua sắm hoặc đưa những chỉ tiêu về kinh nghiệm tổ chức thực hiện dự án hoặc hồ sơ gói thầu nhằm hạn chế nhà thầu tham gia, hồ sơ phải thật rõ ràng, cụ thể...

Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng cũng cần quy định chi tiết tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu. Theo đại biểu, dự án đầu tư kinh doanh cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích lâu dài phải căn cứ vào mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường để chọn được nhà đầu tư đích thực thực hiện dự án cũng như giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, tạo ra nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua chính sách thuế.

Trước tình trạng nhà thầu bắt tay nhau để nâng giá thầu trong thời gian qua, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị dự thảo Luật cần có cái giải pháp xử lý nghiêm hành vi tiết lộ thông tin của các cá nhân liên quan đến đấu thầu để xử lý hành vi này một cách nghiêm minh.

Về quy định nhà thầu, đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho rằng, để tránh nhà thầu chính lợi dụng quy định trong dự thảo Luật để kí kết với nhà thầu phụ với tỉ lệ cao, đồng thời khắc phục tình trạng các nhà thầu sử dụng năng lực, thậm chí các mối quan hệ thân quen để tham dự các gói thầu, sau đó mua bán, chuyển nhượng hoặc đưa các nhà thầu có năng lực yếu vào thực hiện gói thầu làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Bên cạnh đó, việc nhà thầu chính và nhà thầu phụ đã tồn tại nhiều năm song hành với nhau.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu phụ khi ký kết hợp đồng với nhà thầu chính. Do vậy, để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị bổ sung các quy định trong dự thảo Luật về tư cách, tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm các nhà thầu nói chung và các nhà thầu phụ nói riêng.


Tâm An
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm