Thủ tướng: Nghiên cứu sửa đổi ưu đãi thuế cho chủ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê

| 1-08-2022, 16:52 | Thị trường 24h

Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi kiến nghị với Chính phủ, trên bình diện rộng tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tăng thu nhập; tiếp tục cải cách hành chính; giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm "mềm" giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn…

Thủ tướng: Nghiên cứu sửa đổi ưu đãi thuế cho chủ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.


Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như: Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề tài chính trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có 2 nhóm cần được tập trung giải quyết, đó là nhóm nhà ở xã hội cho những người nghèo nông thôn và người thu nhập thấp ở đô thị; nhóm thứ hai là nhà ở cho công nhân. Chúng ta tập trung giải quyết 2 nhóm này, vấn đề là giải quyết như thế nào?

Người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, cần phân loại rõ, quy định cho vay rõ ràng, thu hẹp loại vay vốn ngắn hạn trên tinh thần thống nhất. Phải đưa ra 2 loại: Một loại nhà ở công nhân ở khu công nghiệp thì chỉ nên cho doanh nghiệp thuê đất, sau đó cho công nhân đang ở trong khu công nghiệp thuê lại. Khi họ không làm nữa họ sẽ ra khỏi khu công nghiệp. Nếu bán cho người ta, sau này doanh nghiệp tuyển công nhân mới thì không có nhà mới nữa, muốn làm phải có đất. Cho nên ở trong khu công nghiệp là phải cho thuê, ở ngoài khu công nghiệp có thể cho thuê, thuê mua hoặc bán.

Cũng theo Bộ trưởng, nhà ở xã hội chúng ta bố trí theo quy hoạch được duyệt và nên ưu tiên những quỹ đất sạch để làm. Những quy định hiện hành của chúng ta mới chỉ tính đến chuyện doanh nghiệp đứng ra làm, chưa tính đến chuyện nhà nước thuê doanh nghiệp làm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.


“Năm 2011, Chính phủ đã triển khai nhà ở sinh viên là một loại nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 100 nhưng triển khai rất nhanh. Lúc ấy, nhà ở của sinh viên được phát hành bằng trái phiếu Chính phủ, triển khai trong vòng 6 - 7 tháng là có hệ thống nhà ở sinh viên toàn quốc, hoàn thành và giờ cũng đang phát huy hiệu quả tốt. Năm 2011, Chính phủ đã triển khai rồi, đất và công trình được giao chỉ định, địa phương có đất sạch rồi giao luôn cho doanh nghiệp xây, thiết kế, dự toán làm rất nhanh, phê duyệt nhanh và sau đó chỉ định doanh nghiệp vào làm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Theo đó, ông Hồ Đức Phớc cho rằng cách thức là nên đa dạng hóa, bằng 2 cách: một là doanh nghiệp làm, hiện doanh nghiệp làm là chủ yếu. Hai là doanh nghiệp làm tốt rồi nhưng nhà nước cũng phải đứng ra làm chủ đầu tư thuê doanh nghiệp làm để bán cho người dân. Chúng ta phải dành những chỗ tốt nhất, những chỗ nào có đất sạch thì giao cho doanh nghiệp làm.

Về ưu đãi, các loại thuế đã được giảm mức tối đa, thuế GTGT giảm 5% trong khi hiện hành là 10%; thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong khi hiện hành là 20%, rồi các ngành nghề được xác định là đặc biệt thì đều được hưởng những chính sách ưu đãi.

Về tín dụng, theo Bộ trưởng, lâu nay tín dụng cho người mua nhà vay, còn chưa cho doanh nghiệp vay, mặc dù cơ chế đã có. Nút thắt ở đây là gì? Doanh nghiệp không vay thì không có nguồn cung, mà chúng ta cho vay mới tạo ra cầu thôi. Không có cung thì lấy đâu ra cầu, nên cũng nên tập trung cho khâu này.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương dùng quỹ đất sạch để làm trước. Còn đất cần phải giải phóng mặt bằng thì địa phương phải đứng ra xử lý để giao đất cho doanh nghiệp làm mới nhanh được, nếu không sẽ rất lâu.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn và hằng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; nghiên cứu việc cho vay phát triển nhà trọ cho công nhân.

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định của các Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và số 49/2021/NĐ-CP và gói hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Nghị quyết 11/NQ-CP.


An Nhiên
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm