Chính phủ tổ chức Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản

| 14-07-2022, 07:56 | Thị trường 24h

Theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không có phát sinh BĐS tồn kho mới; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần.

Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm dần qua các năm 2020, 2021, nguồn cung nhà ở thương mại trong 6 tháng đầu năm 2022 rất hạn chế.

Chính phủ tổ chức Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản

(Ảnh minh họa)


Cụ thể, trong năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 172 dự án với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 60% số dự án và 42% số lượng căn so với năm 2020 (288 dự án với quy mô 57.149 căn).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận mới và hoàn thành vẫn hạn chế, chưa cho thấy sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại. Tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong 6 tháng đầu năm tổng hợp sơ bộ khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, riêng trong năm 2021, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 17 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn với tổng diện tích khoảng 1,4 triệu m2 sàn xây dựng.

6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn. Tuy nhiên, kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 còn hạn chế so với nhu cầu.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy trong năm 2021, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ các dự án khoảng 110.000 giao dịch (gần tương đương lượng giao dịch năm 2020 là khoảng 115.000 giao dịch), nhưng lượng giao dịch đất nền tăng mạnh, tổng lượng giao dịch đất nền trong năm khoảng 170.000 giao dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá giao dịch BĐS, trong năm 2021, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng giá BĐS, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng, trong đó, giá căn hộ chung cư tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%. Giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2015. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí" sốt giá" đất nền tại nhiều địa phương

Về lượng tồn kho BĐS, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.

Tính đến cuối tháng 4/2022 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với thời điểm 31/12/2021.

Về nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Trong năm 2021, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 33,16% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Trong quý I, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 69,6 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn vốn FDI, tính đến ngày 20/06/2022, ngành kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD.


Tuấn Kiệt
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm