Bất động sản Tp.HCM tăng trưởng âm

| 30-06-2022, 10:22 | Thị trường 24h

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của UBND Tp.HCM cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, GRDP của Tp.HCM đã tăng 3,82%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.

Bất động sản Tp.HCM tăng trưởng âm

Hoạt động kinh doanh bất động sản là ngành dịch vụ lớn duy nhất của Tp.HCM suy giảm 5,82% so với cùng kỳ. (Ảnh: Kiên Cường)


Trong đó, có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ, gồm: Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,51%; ngành thông tin truyền thông tăng 8,18%; ngành tài chính, ngân hàng tăng 9,91%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46% và ngành y tế tăng 6,85% so với cùng kỳ.

Có 3 nhóm ngành tăng trưởng 2-5% so với cùng kỳ là bán buôn, bán lẻ tăng 3,10%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08%; giáo dục và đào tạo tăng 4,99%.

Đáng chú ý duy nhất chỉ có hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 5,82% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT Tp.HCM - cho biết đến tháng 6, tổng số hồ sơ kể cả cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục về đất đai là trên 266.968 hồ sơ, tương ứng một tháng giải quyết bình quân gần 45.000 hồ sơ.

Cũng trong nửa đầu năm, nguồn thu từ số lượng hồ sơ do Sở TN&MT làm thủ tục mua bán bất động sản chuyển qua cơ quan thuế đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) nhận định, thị trường bất động sản đang bị sụt giảm về nguồn cung dự án cũng như sản phẩm nhà ở.

“Thị trường bất động sản ngưng trệ, nếu các cơ quan, ban ngành không có giải pháp xử lý hiệu quả các điểm nghẽn như hiện nay thì doanh nghiệp bất động sản còn gặp khó khăn, nguy cơ phá sản do không cân bằng được tài chính” - Ông Châu cho biết. 

Trong một hội nghị khác, Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nói rằng ngành xây dựng về tổng thể đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2022 sau những ảnh hưởng bởi dịch bệnh vào cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu. Nhìn chung, 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất chỉ đạt 28-40% kế hoạch cả năm, tương đương 60-80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng.

VACC nêu thực trạng doanh nghiệp xây dựng không muốn làm dự án trong nước, đặc biệt sợ thực hiện dự án đầu tư công do giá nguyên vật liệu tăng nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tìm dự án nước ngoài hoặc làm thầu phụ cho dự án FDI.

Hơn nửa, ngành xây dựng có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ (chiếm 70%).Tuy nhiên lực lượng này không quay lại làm việc sau dịch, một phần do cơ hội việc trở nên đa dạng hơn. Do vậy, dù đơn giá nhân công tăng 25-30%, các doanh nghiệp vẫn khó tuyển nhân lực.


Minh Anh
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm