Thị trường chứng khoán hôm nay 7/4: Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, VN-Index bốc hơi gần 21 điểm

| 9-04-2022, 12:25 | Thị trường 24h

VN-Index lao mạnh, rơi về vùng 1.500 điểm

Thị trường bước vào phiên chiều với tín hiệu tích cực trong ít phút đầu phiên khi lực cầu bắt đáy cuối phiên sáng giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, tiến gần về tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ sau 50 phút giao dịch, khi chờ cho lực cầu vừa đủ, bên nắm giữ cổ phiếu đã ra tay, đẩy hàng loạt mã quay đầu giảm, sắc đỏ bùng phát trên toàn thị trường với 744 mã giảm giá, trong khi chỉ có 269 mã tăng giá và 175 mã đứng tại tham chiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 20,55 điểm (-1,35%), xuống 1.502,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 795,1 triệu đơn vị, giá trị 27.145,4 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,4 triệu đơn vị, giá trị 1.831,4 tỷ đồng.

Sàn HNX có 64 mã tăng và 163 mã giảm, HNX-Index giảm 5,22 điểm (-1,17%), xuống 441,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,1 triệu đơn vị, giá trị 2.787,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,3 triệu đơn vị, giá trị 367,7 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán hôm nay 7/4: Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, VN-Index bốc hơi gần 21 điểm
Diễn biến thị trường chứng khoán ngày 7/4

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,03 điểm (-0,88%), xuống 115,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,3 triệu đơn vị, giá trị 1.179 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 23,1 triệu đơn vị, giá trị 620,6 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hơn 13,3 triệu cổ phiếu CTW, trị giá 339,9 tỷ đồng.

Áp lực bán gần như trên toàn thị trường ở hầu hết các nhóm ngành. Trong đó nhóm vốn hóa lớn nhất VN30 mất 0,97% giá trị với 24/30 mã giảm giá. VNMID của nhóm vốn hóa vừa rơi 1,76% và VNSML của nhóm vốn hóa nhỏ lao dốc 1,82%.

Tổng giá trị khớp lệnh toàn sàn đạt trên 32.100 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt hơn 27.145 tỷ đồng.

Đến lượt cổ phiếu ngân hàng đổ sập

Hàng loạt cổ phiếu trụ cột giảm sâu đã kéo chỉ số đi xuống nhanh chóng. Trong đó VCB của Vietcombank giảm 1,9% về 83.000 đồng. Mức giảm này của VCB cũng chưa phải là quá mạnh, nhưng vì vốn hóa lớn nhất thị trường nên mã này lấy đi tới gần 2 điểm của VN-Index.

Tiếp đến là bộ đôi cổ phiếu VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup giảm lần lượt 1,7% và 1,2%. Các mã có tác động xấu khác là MSN của Masan giảm 1,8%, NVL của Novaland mất 2% hay HPG giảm 1,5%.

Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng chiều nay cũng suy yếu nghiêm trọng so với phiên sáng. Tiêu biểu là BID bốc hơi 1,71% so với giá cuối phiên sáng, giảm tổng cộng 1,03% so với tham chiếu; VPB giảm 1,85%, chốt giảm 0,38% so với tham chiếu; TCB giảm 1%, chốt giảm 1,02%; STB từ tham chiếu thành giảm 1,39%...

Top cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số

Ở chiều ngược lại, một số ít cổ phiếu ngân hàng giữ được sắc xanh để níu kéo chỉ số như MBB tăng 1% sau thông tin sẽ nhận một tổ chức tín dụng, ACB tăng 1,2% trong ngày ngân hàng họp cổ đông, hay MSB cũng tăng 0,8%.

Các cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đồng loạt giảm sâu, dù vừa tăng khá tốt trong phiên trước. Trong đó, SSI giảm 1,23%, VCI giảm 1,72%, HCM giảm 1,28%, VND giảm 1,41%, FTS giảm 3,04%, VIX giảm 3,1%, TVS giảm 3,23%...

Đáng chú ý, cổ phiếu bất động sản tiếp tục lao dốc, trong đó VHM giảm 1,7%, VIC giảm 1,24%, NVL giảm 1,97%, BCM giảm 2,55%, VRE giảm 2,83%, DIG giảm 4,6%, KBC giảm 3,16%, DXG giảm 4,16%, ITA giảm 2,74%, SJS giảm 4,7%, LGC giảm 4,34%... Rất ít cổ phiếu ghi nhận sắc xanh, có thể kể đến KDH, HHV, HTN, QCG.

Tương tự, nhóm thép cũng giao dịch kém tích cực khi hầu hết các mã đều giảm như HPG, HSG, NKG, SMC, TVN, VGS, VIS…

Cổ phiếu bán lẻ không thoát khỏi xu hướng chung khi MWG giảm 2,39%, PNJ giảm 2,54%, FRT giảm 2,81%. Tương tự, cổ phiếu hàng không suy giảm khi VJC và HVN mất lần lượt 2,84% và 1%.

Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng phân hóa khi GAS giảm 1,5%, PGV giảm 1,16% nhưng POW và PLX tăng lần lượt 2,13% và 0,89%.

Sự kiện Tân Hoàng Minh và FLC Group vẫn đang gây áp lực rất lớn đến nhóm cổ phiếu đầu tư và một số cổ phiếu bất động sản ăn theo như CEO mất 5,2%, DIG lao dốc 4,6%, L14 rơi 5,7% hay CII giảm 1,6%...

Ở cổ phiếu đầu cơ, bộ đôi ROS tiếp tục lao dốc 6,6% giá trị và FLC giảm 1,4% trong hôm nay. Nhóm cổ phiếu Louis chìm trong sắc đỏ với mức giảm khoảng 3-8%. Một số cổ phiếu liên quan đến DNP Corp thậm chí còn giảm sàn. Họ cổ phiếu Licogi, Apec cũng mất 2-7%...

Đáng chú ý là cổ phiếu phân bón, hóa chất bứt phá. Trong đó, DGC của Hóa chất Đức Giang tăng 2,9% lên 223.000 đồng, DPM của Đạm Phú Mỹ có thêm 4,2% hay DCM của Đạm Cà Mau tăng 3,9%.

Một nhóm cổ phiếu nhận được quan tâm lớn của nhà đầu tư liên quan đến Gelex cũng giảm sâu bởi một số tin đồn. Trong đó GEX tiếp tục mất 2,1% về 36.350 đồng với khối lượng khớp lệnh top đầu thị trường đạt hơn 26,8 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại hôm nay cũng giao dịch sôi động nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Họ bán ra lượng cổ phiếu trị giá 2.277 tỷ và mua vào 1.750 tỷ, tương đương bán ra 527 tỷ đồng trên HoSE. Lực xả chủ yếu ở các mã quen thuộc VHM, HPG và STB.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm 10,5 điểm (-0,68%), xuống 1.529,8 điểm, khớp hơn 144.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập, dù vậy CTPB2201 là mã giao dịch sôi động nhất với hơn 2 triệu đơn vị đã về tham chiếu tại 1.580 đồng/cp.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm