Năm 2022 có xảy ra “bong bóng” bất động sản?

| 12-01-2022, 01:20 | Thị trường 24h

Sốt đất có thể coi là từ khóa nổi bật của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “bong bóng” trong năm 2022.

“Sốt đất” mang tơi nhiều rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mang tính đầu cơ, kiếm lời. Là một yếu tố có thể gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.

Bởi theo ông lượng vốn trên thị trường có hạn thôi, nhưng nếu đầu cơ vào đất đai thì số vốn đó sẽ “nằm bất động” mà không được lưu thông. “Rõ ràng dòng vốn vào kinh tế nó sẽ giảm đi. Nó tạo ra sự thiếu hụt dòng vốn cho thị trường sản xuất – kinh doanh, đặc biệt gây khó khăn cho đà phục hồi kinh tế”, ông Thịnh nói.

Việc đổ tiền vào bất động sản, vô hình chung sẽ khiến giá trị của đất tăng lên cao. Việc này còn có thể gây ảnh hưởng trong tương lai.

“Nguồn cầu lớn nhưng nguồn cung không đáp ứng được, người ta tranh nhau mua, tranh nhau bán… làm giá bất động sản tăng. Điều này sẽ kéo theo việc nhiều người dân không mua được nhà. Trong điều kiện như hiện nay sẽ tạo ra giá ảo, về lâu về dài tạo ra “bong bóng” bất động sản”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lo ngại.

Thị trường tiền tệ cũng bị ảnh hưởng bởi giá của bất động sản. Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hai thị trường này có sự lưu thông với nhau. Nếu các nhà đầu tư sử dụng các đòn bẩy tiền tệ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Điều này sẽ đe dọa đến hệ thống tài chính của quốc gia.

Ảnh minh họa.

Nói về vấn đề này, ông Thịnh lấy ví dụ về các nước trên thế giới. Nhiều quốc gia lựa chọn bơm tiền vào nền kinh tế trong khoảng 2 năm qua. Đây là thời điểm đại dịch Covid-19 “càn quét” thị trường tiền tệ, tài chính,… trên toàn thế giới. Việc bơm tiền lại khiến đồng tiền mất giá, chỉ số lạm phát tăng cao. Nhưng lại cho thấy bất động sản là nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền, làm giá tăng. Đó là sự đối nghịch giữa tiền tệ và bất động sản trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, sự đối nghịch này cần được kiểm soát ở một giới hạn nhất định. Do đó chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần thận trọng và phân bổ nguồn vốn phù hợp. Đặc biệt khi diễn biến của đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trong tương lai. Đối với các gói hỗ trợ sắp được bung ra, dòng vốn cho bất động sản cần được siết thay vào đó nên tập trung nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh sản xuất.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển (Học viện Tài chính), giá bất động sản tăng khiến khả năng mua nhà của người dân ngày càng bị thu hẹp, tạo sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.

“Tại Nhật Bản, khi đồng tiền mất giá, giá bất động sản tăng rất cao dẫn tới tình trạng gần như không có giao dịch. Các hoạt động liên quan tới bất động sản trầm lắng nhiều năm và cuối cùng ảnh hưởng tới nền kinh tế”, ông Cường cảnh báo.

Kìm hãm đà tăng giá của bất động sản

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề của xã hội đều bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Ngành bất động sản cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó. Một vài phân khúc có sự tăng trưởng, nhóm đầu tư hưởng lợi nhưng chỉ là số ít. Nhìn chung thị trường bất động sản năm 2021 gây khó khăn cho các nhà đầu tư, người mua nhà để ở.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, kể từ khi ban hành quy định mới về nới lỏng giãn cách xã hội, bước sang trạng thái “bình thường mới”. Thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá có xu hướng tăng cao. Nhưng sự phục hồi này chưa bền vững, chứa nhiều rủi ro. Ở một số địa vẫn có tình trạng cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai. Thông tin thị trường còn mập mờ, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu.

Tình trạng xuất hiện những phiên đấu giá đất với kết quả cao kỷ lục. Mức giá chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá chốt phiên cao bất thường. Điều này đã khiến dư luận chú ý, đồng thời đẩy giá đất tại khu vực đó tăng cao.

Nhiều chỉ đạo được ban hành nhằm kiểm soát thị trường nhà đất trong năm 2022.

Vì vậy, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng”. Phát hiện các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới ngay tại địa phương.

Việc kiểm soát giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn. Tránh tạo ra những hành vi tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, các địa phương, đánh giá cụ thể tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua. Đặc biệt quan tâm tới các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường. Nếu có tác động tiêu cực, các cơ quan này cần đề xuất các giải pháp để hạn chế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao rà soát các ngân hàng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính yêu cầu nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản. Vì dụ như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường. Hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả phân khúc nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Có thể thấy, sau khi chứng kiến sự bất ổn của thị trường trong năm 2021. Chính phủ và các bộ ban ngành đã nhanh chóng ghi nhận tình hình. Đồng thời ban hành các chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng “bong bóng” bất động sản trong năm 2022.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm