Điều chỉnh lãi suất của Fed ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như thế nào?

| 27-12-2021, 17:30 | Thị trường 24h

Kết quả cuộc họp vào ngày 15/12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tác động lớn tới thị trường kinh tế, tài chính trên toàn cầu. Fed thông báo sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản từ giữa tháng 1/2022.

Fed tăng lãi suất 3 lần

Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) là cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed. FOMC cho biết sẽ bắt đầu giảm mua tài sản từ tháng 1 năm 2022 (giảm 30 tỷ USD/tháng). Và dự kiến kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2022.

Fed sẽ giảm mua trái phiếu kho bạc 20 tỷ USD/tháng và mua trái phiếu thế chấp 10 tỷ USD/tháng. Nghĩa là cắt giảm 25% quy mô chương trình mua tài sản hiện nay. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết Fed dự định chấm dứt hoàn toàn việc mua tài sản vào giữa tháng 3/2022. Nếu đạt được thì kế hoạch này sẽ hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Điều chỉnh lãi suất của Fed ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như thế nào?
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến có 3 lần tăng lãi suất vào năm 2022. Nâng lãi suất từ 0% – 0,25% lên dần 0,75% – 1%. Và sẽ tiếp tục tăng 3 lần vào năm 2023 và 2 lần vào năm 2024.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi nhiều quốc gia trên thế giới chọn việc “đóng cửa” biên giới. Dẫn tới các hoạt động của nền kinh tế cũng bị đình trệ. Từ tháng 3/2020, lãi suất tại Mỹ được duy trì cận 0%.

Cùng với đó là những lo ngại về chỉ số lạm phát gia tăng. Đạt mức kỷ lục cao nhất trong 4 thập kỷ. Chỉ số CPI của Mỹ tháng 11 năm 2021 tăng 6,8% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 1982. Dự báo bình quân cả năm 2021 chỉ số CPI sẽ là 3,6%. Những con số này sẽ tác động to lớn đối với thị trường và nền kinh tế. Không chỉ riêng nước Mỹ mà còn đối với toàn thế giới.

Paul Donovan, nhà kinh tế học trưởng tại UBS Global Wealth Management, cho biết việc phân tích các tác động từ chính sách của Fed là rất quan trọng. “Chi phí đi vay sẽ tăng lên, nhưng vẫn sẽ ở mức thấp. Nếu như bạn nhìn vào chi phí vốn thực tế trong nền kinh tế, mức lãi suất đó vẫn rất thấp”, ông Paul nói.

Mục tiêu của Fed sau chính sách lãi suất

Chính sách mới FED cho thấy nền kinh tế đang dần “bình phục”. Sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bản thân nền kinh tế tự hoạt động được bình thường. Mà không cần quá nhiều chính sách kích cầu như trong thời gian 18 tháng qua.

“Kế hoạch của Fed thiên về việc tạo điều kiện cho nền kinh tế một khi chúng ta quay trở lại với chu kỳ kinh tế bình thường”, Donovan cho biết. “Fed đang không thực hiện một chương trình bài xích tăng trưởng”.

Các chính sách bơm tiền sẽ được thắt chặt.

Nếu các chính sách bơm tiền để cứu nền kinh tế được thực hiện như thời gian qua. Thì sẽ phản tác dụng, tình trạng lạm phát sẽ càng cao. Cản trở công việc mở rộng quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời làm cản trở cơ hội mở rộng việc làm, giảm sức chi của người tiêu dùng. Quyết định mới của Fed phát đi thông điệp, kiên quyết ngăn chặn lạm phát trong quá trình tăng trưởng nền kinh tế.

Chính sách mới của Fed đưa ra các lộ trình cắt giảm dần dần. Điều này giúp cho các nhà đầu tư tâm lý bình tĩnh không lo lắng, bất an. Chỉ số lạm phát tăng “chóng mặt” hay các tác nhân ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ đều đang nằm trong tầm kiểm soát. Fed cho thấy, cơ quan này rất thận trọng với từng chính sách trong thời điểm “nóng” hiện nay. Đồng thời cho thấy cách làm việc không hề hoảng loạn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ

Như vậy, vấn đề nghiêm trọng nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay là tình trạng lạm phát. Điều này khiến FED phải đưa ra những chính sách nhằm chấm dứt việc “bơm máu” cho nền kinh tế. Siết chặt nguồn tiền đổ vào thị trường, tập trung cho việc chống lạm phát.

Bởi theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ riêng trong tháng 11/2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức chỉ số cao nhất kể từ năm 1982. Trong đó, giá thực phẩm tăng 4,9%, giá xăng tăng 6,1%, giá xe ô tô tăng hơn 11%.

Chỉ số lạm phát tăng cao kỷ lục tại Mỹ.

Sự tăng trưởng liên tục của chỉ số lạm phát vượt xa so với tính toán của người Mỹ. Vì vậy họ đã có những kỳ vọng về lạm phát. “Các nhà sản xuất sợ rằng lạm phát sẽ kéo dài và họ buộc phải thực hiện các biện pháp tự bảo vệ. Họ chủ động tăng giá sản phẩm lên, với tâm lý cho rằng giá nguyên liệu sẽ còn tăng mạnh nữa trong tương lai và việc tăng giá ngay thời điểm này sẽ giúp bảo toàn phần nào lợi nhuận”, Giáo sư Stefano Bonini, Khoa kinh doanh, Viện công nghệ Steven, cho hay.

Chính tâm lý “kỳ lạ” này của người dân Mỹ đã khiến cho tình hình lạm phát ngày càng leo thang. Các nhà sản xuất phải tăng giá bán sản phẩm hoặc giảm sản lượng. Chính điều này đã thúc đẩy Fed thực hiện chính sách tăng lãi suất trong năm 2022.

“Cục Dự trữ Liên bang có cam kết mạnh mẽ về việc phải đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp và mặt bằng giá ổn định. Nguyên nhân chính của lạm phát xuất phát từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch và giờ đã lan sang nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Chúng tôi rất nghiêm túc với các nguy cơ từ việc tiền lương thực tế tăng nhanh hơn năng suất, điều sẽ đẩy lạm phát càng cao hơn”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhấn mạnh.

Mặc dù trước đó, FED đã không kiên quyết trong việc siết chặt chính sách tiền tệ. Do lo ngại việc tăng lãi suất sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm mua tài sản

Ngay sau khi Fed tuyên bố động thái mới. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thực hiện một cuộc họp hội đồng tương tự. Nội dung bàn về chính sách tiền tệ cho các nền kinh tế thành viên vào đêm (17/12) theo giờ Việt Nam.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp khẩn ngay sau khi Fed thông báo chính sách mới.

“Nối gót” Fed, ECB cũng sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch. Có trị giá 1.850 tỷ Euro (tương đương hơn 2.000 tỷ USD) vào quý I/2022. Giảm dần và kết thúc vào cuối tháng 3 năm 2022. Cùng thời điểm với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chấm dứt chương trình mua tài sản. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất không được ECB đề cập tới. Bời ECB lo ngại sẽ tác động xấu đến nền kinh tế của khu vực. Cụ thể là các nước sử dụng đồng tiền chung Euro.

Kinh tế Việt Nam chịu tác động từ chính sách của Fed

Thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ bị tác động từ chính sách mới của Fed. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng sẽ có ít nhất là 5 tác động chính. Những tác động này có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Liên quan tới đồng USD, thị trường chứng khoán, tỷ giá, nghĩa vụ trả nợ bằng USD và dòng vốn đầu tư.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD có thể tăng nhẹ. Tuy nhiên mức độ tăng không nhiều do kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Mức dự kiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 2% trong năm 2021. Và sẽ phục hồi lên mức 6,5-7% nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp với CPI dự kiến tăng khoảng 2% trong năm 2021. Tăng lên mức 3,4-3,7% năm 2022. Cán cân cung-cầu ngoại tệ bình ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đều tăng điểm. Ngay sau khi có thông báo của Fed thị trường chứng khoán Mỹ, EU và một số thị trường Châu Á tăng điểm. Điều này cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng sự tăng điểm tạm thời này sẽ bình ổn trở lại sớm. Khi các nhà đầu tư đã có tâm lý ổn định.

Nghĩa vụ trả nợ bằng USD chỉ tác động rất nhỏ tới tới Việt Nam. Bởi nước ta đang giảm dần vay nợ nước ngoài. Cụ thể nợ nước ngoài hiện đang ở mức 38,8% GDP. Đã điều chỉnh so với mức 42% GDP bình quân giai đoạn 2010-2019). Trong đó có nhiều loại ngoại tệ khác nhau, thời hạn dài (bình quân là 13,8 năm), lãi suất thấp (bình quân 1,35%/năm).

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vay ngoại tệ cần lưu ý xu hướng lãi suất tăng này để có biện pháp quản lý rủi ro phù hợp,” Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.

Thị trường kinh tế, tài chính Việt Nam sẽ bị tác động bởi chính sách mới của Fed.

Còn theo, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, lãi suất sẽ không tăng mạnh. Vì vậy, chính sách tiền tệ sẽ được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng và duy trì lãi suất thấp như hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm tới 3 yếu tố là lạm phát, cán cân thương mại và giá trị tiền đồng trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Cả 3 yếu tố này đều đang ổn định. Lạm phát ở mức bình quân 1,84%, cán cân thương mại liên tục thặng dư từ năm 2016 đến nay.

“Cùng với đó, giá trị tiền đồng tăng, tính đến ngày 30/11, VND tăng gần 1% so với USD và tăng khoảng 4,4% so với 12 đồng tiền trong rổ tiền tệ, giúp Việt Nam giảm bớt nhập khẩu lạm phát. Khi giá trị tiền đồng tăng thì lãi suất sẽ có xu hướng đi ngang và đi xuống. Vì vậy, người giữ tiền đồng đang có lãi so với giữ USD,” ông Lê Quang Trung nói.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phạm Thanh Hà lạm phát là vấn đề chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này khiến các ngân hàng trung ương các nước phải “thắt chặt” các chính sách tiền tệ trong đại dịch. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi chỉ số lạm phát nhằm kiểm soát tiền tệ.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát”.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không thể chủ quan, mà cần theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản điều hành khác nhau, để luôn ở thế chủ động, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức trong giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội sắp tới”.

Để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam lúc này cần sự điều chỉnh tỷ giá linh hoạt. Đồng thời ổn định mặt bằng lãi suất. Nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch Covid-19.

Có thể thấy, chính sách mới của Fed đã tác động ngay lập tức tới nền kinh tế toàn cầu. Giá vàng, sự tăng điểm của thị trường chứng khoán, giá trị của đồng USD cũng có sự biến động. Đối với nền kinh tế Việt Nam, sự tác động không quá lớn. Nhưng cũng đủ khiến các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước các diễn biến mới. Đặc biệt khi có sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Các chuyên gia lo lắng biến thể này có thể tạo ra một làn sóng dịch mới. Khiến các quốc gia phải lựa chọn giữa “đóng cửa” hay “sống chung” với đại dịch. Một lần nữa nền kinh tế thế giới sẽ phải có những chính sách mới để ứng phó kịp thời.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm