Thị trường bất động sản logistics và công nghiệp: Vững vàng giữa làn sóng đại dịch Covid-19

| 30-09-2021, 15:08 | Thị trường 24h

Thị trường bất động sản logistics và công nghiệp: Vững vàng giữa làn sóng đại dịch Covid-19

Thị trường Logistics và công nghiệp vẫn đầy kì vọng giữa đại dịch Covid-19

Việc nhiều địa phương ban hành nghị định giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như hoạt động ngành công nghiệp sản xuất, nhà xưởng thiếu hụt lao động, kết nối logistics gặp gián đoạn trong việc phân phối sản phẩm.

Ngoài ra, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thành nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao khoảng 25% so với đầu năm. Đặc biệt là giá thép trong nước tăng mạnh, làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn. Lúc này, các chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án.

“Điều này sẽ làm suy giảm nguồn cung bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê với nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới,” đại diện JLL Việt Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với nền tảng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cùng với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh và mạng 4G, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Có thể thấy sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất. Theo đó, nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài cũng đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo đánh giá của Savills, tính đến cuối quý II/2021, thị trường vẫn ghi nhận những hoạt động khá tốt. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp sản xuất đạt 6,97 tỷ USD. Vốn sản xuất hiện tại vẫn ở mức 3,38 tỷ USD, cao hơn mức 3,23 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Thị trường cũng đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn trong nửa đầu năm. Ví dụ tại miền Bắc, Công ty Jinko Solar Hong Kong đã đầu tư gần 500 triệu USD vào Khu Công Nghiệp Sông Khoai, tại Quảng Yên (Quảng Ninh); hay Fukai Technology của Singapore đầu tư vào Khu Công Nghiệp Quang Châu tại tỉnh Bắc Giang.

Trong khi đó, JLL cũng chứng kiến các thương vụ đầu tư mới, điển hình là việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD. Thị trường cũng đón nhận nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường như GNP Industrial hay Công ty cổ phần công nghiệp KCN Việt Nam có thể xem là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng ngay cả trong đại dịch.

Nhìn về tương lai, đại diện của JLL cho rằng, các nhà đầu tư sẽ thận trọng, xem xét kỹ lưỡng các danh mục đầu tư trước khi triển khai vốn cho các khoản đầu tư bất động sản.

"Nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ dược phẩm tăng tốc ồ ạt đã đảm bảo rằng logistics và công nghiệp vẫn là loại tài sản tăng trưởng vững vàng hơn so với các loại tài sản bất động sản khác năm 2021", bà Trang Bùi, giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL nhận định.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, có nhiều yếu tố khiến Việt Nam đang là một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới như: Nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, vị trí địa lý phù hợp, lực lượng lao động năng động…

Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại Tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp giá trị thấp và mang tính địa phương sang các ngành có giá trị cao hơn. Ngay cả trong ngắn hạn đến trung hạn, chúng ta vẫn được chứng kiến rất nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp tại Việt Nam.

Thay đổi trong chính sách mở ra cơ hội phát triển thị trường

Theo đánh giá hiện đang có rất ít các chủ đầu tư phát triển được các khu vực nhà ở - dịch vụ thương mại bên trong các khu công nghiệp, trong khi nhu cầu cho các khu vực này ngày càng gia tăng. Với các hoạt động và nỗ lực nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang mở ra cơ hội phát triển các dự án khu công nghiệp có chất lượng.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, các khu công nghiệp chất lượng cao trên thế giới thường làm tốt khâu quy hoạch tổng thể dự án khu công nghiệp, đảm bảo dự án công nghiệp tích hợp hài hoà các yếu tố nhà ở, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng khác nhau. Các mô hình này đang hoạt động tốt ở các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Tại Việt Nam, về dài hạn, một khu công nghiệp chất lượng cao sẽ có lợi thế tăng trưởng trong một thị trường sôi động. Việc tích hợp yếu tố nhà ở trong khu công nghiệp không chỉ đơn thuần dừng ở việc có chỗ nghỉ ngơi cho công nhân, mà nên cung cấp các tiện ích về nhà ở chất lượng, bán lẻ, giáo dục, giải trí, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của công nhân, các chuyên gia, khách thuê.

Dự án khu công nghiệp từ đó tạo ra sức hút đầu tư, đặc biệt thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giá trị cao. Việc điều chỉnh trong chính sách vì thế rất được kỳ vọng đem đến các thay đổi tích cực, có thể được xem là một trong những sáng kiến giúp công nghiệp Việt Nam có nhiều dự án bắt kịp với xu hướng đầu tư trên thị trường.

Minh Hoàng

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm