Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội còn hạn chế

| 22-07-2019, 19:10 | Thị trường 24h

Một lần nữa, Bộ Xây dựng có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ.




Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội còn hạn chế

Tại nhiều địa phương, việc bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội còn khó khăn

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP. HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn...

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cần đến 12,5 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, đến nay các dự án đã hoàn thành và đang triển khai mới có tổng cộng gần 4 triệu m2, chỉ đạt khoảng 30% so với kế hoạch.

Tại Hà Nội, xây dựng mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 cần hơn 4.676.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân khoảng hơn 567,5 m2 sàn.

TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, thành phố có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thẳng thắn chia sẻ là do nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển.

Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở và do một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế.

Góp ý về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trong chương 2 của Luật Nhà ở còn đề cập đến quá nhiều đối tượng được hưởng nhà ở xã hội. “Phải xem đây là chủ trương lâu dài chứ không thể bao hết được, quá nhiều đối tượng sẽ gây khó khăn trong triển khai trong khi điều kiện kinh tế đất nước đang có hạn như hiện nay”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, phát triển nhà ở xã hội cần tập trung cho khu đô thị và công nghiệp – nơi tập trung nhiều người đô thị thu nhập thấp và các công nhân. Về diện tích, không nên xây dựng quá to dẫn tới không hỗ trợ được nhiều người, cần xây nhỏ để tăng diện tích căn hộ, giảm giá bán giúp nhiều người được tiếp cận hơn.

Ngoài ra, ông Hùng đề xuất để tránh tình trạng ỷ lại vào ngân sách nhà nước cần đưa ra quy định người muốn thuê, thuê mua nhà ở xã hội cần phải đóng góp một khoản nhất định vào quỹ hằng năm.

HỒNG HƯƠNG

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm