Bất động sản công nghiệp thu hút nguồn vốn mạnh trong tình hình Covid - 19 phức tạp

| 27-07-2021, 16:21 | Thị trường 24h

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/6/2021, Việt Nam thu hút được 15,27 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực chế biến chế tạo thu hút tổng cộng 6,97 tỷ USD (chiếm 45% tổng vốn đầu tư), với 273 dự án mới có vốn đầu tư 3,09 tỷ USD và 286 dự án hiện có tăng vốn đến 3,38 tỷ USD.

Theo năm, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất giảm từ 8 tỷ USD xuống còn 6,97 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020 và vốn đăng ký sản xuất mới giảm từ 3,57 tỷ USD xuống còn 3,09 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, vốn sản xuất hiện tại nằm ở mức 3,38 tỷ USD - vẫn cao hơn con số 3,23 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.


Bất động sản công nghiệp thu hút nguồn vốn mạnh trong tình hình Covid - 19 phức tạp

Vốn FDI đăng ký cấp mới của 6 tháng đầu năm 2021- Nguồn: MOPI & Savills Vietnam, 2021

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, nếu phân theo khu vực, phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. 

Tiếp theo là khu vực phía Nam với 728 triệu USD (23%), trong khi khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD (13%). 

Xét theo các tỉnh, Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, theo sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Đại diện khu vực phía Nam là Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD.

Xét theo Quốc tịch, Hồng Kông có số vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất cao nhất trong nửa đầu năm với hơn 852 triệu USD, chiếm 27% thị phần. Singapore đứng ở vị trí thứ hai với 655 USD (21%), tiếp theo là Trung Quốc với 549 USD (18%) và Hàn Quốc với 330 triệu USD (11%). 


Vốn FDI đăng ký cấp mới của 6 tháng đầu năm 2021 theo tỉnh- Nguồn: MOPI & Savills Vietnam, 2021. 

Về khoản nhà đầu tư, các dự án sản xuất lớn nhất trong 6 tháng đầu 2021 là của Jinko Solar và Fukang Technology đến từ Hồng Kông và Singapore, với số vốn đầu tư lần lượt là 498 triệu USD và 270 triệu USD tại Quảng Ninh và Bắc Giang. Một điều thú vị là trong 6 tháng đầu 2021, khu vực phía Nam không có khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến nào.

Đáng chú ý trong 6 tháng vừa qua, mặc dù các đợt dịch bệnh Covid -19 liên tục bùng phát nhưng các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) diễn ra khá sôi động. Điển hình như Công ty TNHH Boustead Projects đã đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần trong Công ty Cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Boustead. Nếu thành công, sự hợp tác này sẽ mang tới 13 tài sản bất động sản (10 bất động sản trong số đó thuộc về KTG và 3 thuộc về Boustead Projects) với tổng giá trị tài sản lên tới 141 triệu đô la Mỹ, bao gồm khoảng 840.000 m2 diện tích đất và khoảng 550.000 m2 tổng diện tích cho thuê.


 ESR Cayman Limited, nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW), nhà phát triển và vận hành bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam, đã liên doanh để phát triển 240.000 m2 diện tích bất động sản công nghiệp tại KCN Mỹ Phước 4 gần Thành phố Hồ Chí Minh. Sự hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR vào thị trường Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động của tập đoàn này trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng phát triển.

Về các dự án mới, dự án 81.000 m2 của Logos Property tại KCN VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 4/2021. 

Một nhà đầu tư khá mới trên thị trường - Công ty Cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với vốn đầu tư 300 triệu USD. Công ty đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho cho thuê phân khúc cao cấp, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài toàn quốc từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương đến Đồng Nai và Long An.

“Những vụ mua bán và sáp nhập này đang mang lại dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam giữa lúc đại dịch liên tục bùng phát và giúp gia tăng diện tích đất công nghiệp mới”, đại diện Savills Việt Nam nhận định.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm