Vấn đề rủi ro khi đầu tư vào bất động sản hàng hiệu

| 15-06-2021, 11:04 | Thị trường 24h

Vấn đề rủi ro khi đầu tư vào bất động sản hàng hiệu

Gần 500 triệu đồng/m2

Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam xôn xao trước một dự án tại TP. Hồ Chí Minh với mô hình căn hộ hàng hiệu mới mẻ và giá cao kỷ lục - 423 triệu đồng/m². Mức giá này có thể gây ngỡ ngàng tại thị trường trong nước, nơi bất động sản hàng hiệu trong đô thị (Urban branded residences) còn quá mới.

Ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, người Việt có nhu cầu sở hữu bất động sản hàng hiệu rất lớn, đây là sản phẩm phù hợp nhất cho nhu cầu nâng chuẩn sống và tích sản của giới siêu giàu tại Việt Nam.

Giao dịch bất động sản hàng hiệu vẫn nằm trong khả năng chi tiêu và đầu tư của các gia đình thu nhập ổn định và cao. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu tận hưởng những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống cho gia đình và bản thân, khách hàng sẵn sàng chi trả để có được những dịch vụ và tiện ích tiêu chuẩn quốc tế ngay tại nơi mình sinh sống ở Việt Nam.

Với lịch sử gần 100 năm và đặc thù gắn liền với một thương hiệu được công nhận trên toàn thế giới, bất động sản hàng hiệu đã minh chứng khả năng tăng giá và chống chọi với những biến cố và suy thoái của chu kỳ kinh tế, đồng thời có giá trị thương mại trên toàn cầu.

Bên cạnh những góc nhìn tích cực, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nơi xuất hiện sản phẩm bất động sản hàng hiệu đầu tiên cũng đã lên tiếng, nêu quan điểm của mình.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, khái niệm “bất động sản hàng hiệu” xuất hiện lần đầu tiên tại New York cách đây gần 100 năm. Hiện nay, trên toàn cầu có khoảng 500 dự án bất động sản hạng sang và siêu sang, nhắm tới tầng lớp khách hàng thượng lưu có nguồn lực tài chính mạnh, sành sỏi thú chơi hàng hiệu.

Hiện trên thị trường bất động sản hàng hiệu có hai dòng sản phẩm. Một là sản phẩm chính chủ do chính doanh nghiệp bất động sản hàng hiệu có uy tín thương hiệu toàn cầu phát triển dự án và kinh doanh sản phẩm. Hai là sản phẩm do sự hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án, được điều chỉnh bởi hợp đồng do hai bên giao kết.

Khi mua bất động sản hàng hiệu hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt niềm tin vào đẳng cấp của sản phẩm. Trước hết là tin vào uy tín của đơn vị sở hữu thương hiệu toàn cầu của bất động sản hàng hiệu, kế đến là uy tín thương hiệu của chủ đầu tư dự án.

Liệu có "tiền nào của nấy"?

Tuy nhiên, ông Châu cũng thẳng thắn nêu một số vấn đề cần được giải đáp thỏa đáng: Khách hàng bỏ tiền mua bất động sản hàng hiệu với giá “khủng”, thì liệu đã đúng với giá trị thật của căn hộ, theo nguyên tắc “tiền nào của nấy”? Đồng thời, việc quản lý vận hành cung ứng các dịch vụ hàng hiệu được chi trả như thế nào?

Ông Châu cho rằng, thường thì chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu sẵn sàng chi đậm cho công tác quảng bá sản phẩm và thực hiện phương thức ra hàng “nhỏ giọt”, chia nhỏ “rổ hàng” để tạo sự khan hiếm và kích thích tâm lý khách hàng là một trong số ít người đầu tiên sở hữu bất động sản hàng hiệu của dự án. Về mặt kinh doanh thì “không có bữa ăn nào miễn phí”. Để được sử dụng tên của “bất động sản hàng hiệu” thì chủ đầu tư dự án phải trả chi phí không hề nhỏ cho đơn vị quản lý thương hiệu. Chi phí này chắc chắn được tính đủ trong giá bán nhà mà người mua nhà phải thanh toán.

Về thời hạn được sử dụng tên thương hiệu của bất động sản hàng hiệu, thì có hai trường hợp xảy ra. Nếu do chính chủ sở hữu thương hiệu bất động sản hàng hiệu là chủ đầu tư phát triển dự án, thì tên thương hiệu được sử dụng ổn định lâu dài theo dự án. Nhưng, đối với dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu, thì thời hạn sử dụng tên thương hiệu phải theo giao kết của hợp đồng, ví dụ trong 10 năm, 15 năm... Sau thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng thì không còn được phép sử dụng tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu này nữa.

Đại diện HoREA lưu ý, chi phí quản lý vận hành dự án bất động sản hàng hiệu rất đắt đỏ. Chủ sở hữu nhà chung cư chính là người thanh toán chi phí này, kể cả chi phí quản lý vận hành toà nhà trong giai đoạn trước khi thành lập Ban quản trị nhà chung cư do chủ đầu tư dự án chi trả trước đó.

Nếu chủ sở hữu không thuê đơn vị quản lý vận hành đạt chuẩn của đơn vị quản lý tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu, không đảm bảo chất lượng công tác quản lý vận hành, thì toà nhà có nguy cơ không được tiếp tục sử dụng tên thương hiệu nữa.

Bên cạnh đó, việc mua để cho thuê lại bất động sản hàng hiệu cũng không phải dễ dàng, vì rất kén chọn khách hàng. Nên bất động sản hàng hiệu không phải là “sân chơi” dành cho các nhà đầu tư “tay mơ”.

HoREA khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án bất động sản hàng hiệu và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm.

Hiệp hội cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu giữ chữ tín, cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, giải thích cặn kẽ hợp đồng mua bán nhà cho khách hàng và có chế độ hậu mãi đúng như cam kết để thực sự mang đến luồng gió mới bất động sản hàng hiệu tại thị trường TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm