Nguy cơ mất trắng khi mua “suất nhà ở xã hội”

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 9-06-2021, 12:11 | Thị trường 24h

Nguy cơ mất trắng khi mua “suất nhà ở xã hội”

Ghi nhận cho thấy, thị trường đang ngày càng khan hiếm các căn hộ chung cư thương mại có giá dưới 25 triệu đồng/m2, bởi vậy, giới đầu cơ thường hay "săn đón" các dự án nhà ở xã hội chuẩn bị ra hàng thời điểm này.

Có những dự án nhà ở xã hội mới đang trong quá trình triển khai và đại diện phía chủ đầu tư cũng khẳng định chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và chưa thu bất cứ khoản phí nào của khách hàng. Tuy nhiên, xung quanh khu vực triển khai các dự án này, số điện thoại của các môi giới được viết tràn lan trên những rào tôn nhằm rao bán mua căn hộ nhà ở xã hội. Đặc biệt hơn, một số môi giới còn cho biết để chắc chắn giành được suất mua nhà ở xã hội thì người mua có thể chi thêm vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Liên quan đến những rủi ro pháp lý liên quan đến việc người mua nhà mua hàng trăm triệu “phí chênh” để đổi lấy suất mua nhà ở xã hội, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có nội dung trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên, Công ty Luật TNHH An Phước.

Luật sư có thể chia sẻ những rủi ro mà người mua bỏ tiền ngoài để đổi lấy suất mua nhà ở xã hội?

Luật sư Vũ Văn Biên: Khác với nhà ở thương mại được tự do mua bán, người mua nhà ở xã hội phải thuộc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 49 Luật nhà ở 2014.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có nhiều hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như: hỗ trợ giải quyết cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội; Hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; Hỗ trợ giao đất ở có miễn, giảm tiền sử dụng đất; Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi… Mỗi hình thức chính sách hỗ trợ sẽ áp dụng cho các đối tượng khác nhau.

Riêng đối với hình thức cho thuê mua, bán nhà ở xã hội chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau: người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Ngoài việc phải thuộc cái đối tượng nêu trên, người thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập quy định tại Điều 51 Luật nhà ở 2014 như chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức; có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân….

Sau khi đáp ứng các điều kiện để thuê mua nhà ở xã hội, hồ sơ người thuê mua sẽ được chấm điểm để lựa chọn. Do đó, việc rao bán suất mua là vi phạm pháp luật. Việc khách hàng chấp nhận “đi đêm” để có được quyền mua căn hộ nhà ở xã hội mà không tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục xác định đối tượng ưu tiên có thể được ví như là đang “cầm dao đằng lưỡi”, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí mất trắng số tiền đặt cọc đã bỏ ra.

Không chỉ rao bán suất “đi đêm”, nhiều đối tượng còn rao bán luôn cả nhà ở xã hội đã có chủ, tức đã ở hoặc đã bốc thăm được suất mua, trong trường hợp này thì quy định của pháp luật ra sao, thưa Luật sư?

Luật sư Vũ Văn Biên: Theo quy định tại Điều 62 Luật nhà ở 2014, thì trong thời hạn 5 năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở, bên thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và bên thuê mua nhà ở xã hội sẽ được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận.

Điều này cũng quy định rõ: “Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó”.

Việc “lách luật” bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, di chúc hay hợp đồng hứa mua hứa bán, lập vi bằng… người mua lại nhà ở xã hội có thể gặp nhiều rủi ro về sau. Cụ thể, đối với hình thức lập vi bằng và hợp đồng hứa mua hứa bán, đây lại loại hình mua bán trong trong tương lai hay còn hiểu như một hợp đồng đặt cọc.

Theo quy định bộ luật dân sự 2015: “Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, sau 5 năm, trường hợp người bán nhà ở xã hội không chịu ký kết hợp đồng mua bán với người mua để sang tên thì người mua chỉ có thể nhận lại khoản tiền đã trả cho người bán (khoản tiền đặt cọc) và một khoản tiền tương đương giá trị khoản tiền đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Còn với việc lập di chúc, lại càng rủi ro, vì di chúc thể hiện ý chí của người lập, việc này có thể thay đổi và di chúc chỉ có hiệu lực khi người để lại di chúc chết.

Đối với hợp đồng ủy quyền, Căn cứ quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Hợp đồng ủy quyền và Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Hợp đồng mua bán tài sản thì hai hợp đồng có bản chất hoàn toàn khác nhau, hợp đồng ủy quyền chỉ là nhân danh bên có nhà ở thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà… mà không thực hiện việc quan trọng nhất là chuyển quyền sở hữu nhà ở cho bên mua. Do đó, việc mua bán nhà bằng hợp đồng ủy quyền là không đủ cơ sở pháp lý.

Vậy người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần lưu ý gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình cũng như tránh mất tiền oan?

Luật sư Vũ Văn Biên: Luật Nhà ở 2014 đã quy định chi tiết các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội và với những điều kiện liên quan cho từng đối tượng chi tiết. Đối với thủ tục, trình tự mua nhà ở xã hội đã được chi tiết hóa tại các văn bản như Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 20/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng...

Do đó, các khách hàng có nhu cầu về nhà ở xã hội cần tìm hiểu để xem mình có thuộc diện được mua hay không, nếu đủ điều kiện thì thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục quy định.

Đối với các thông tin về dự án, khách hàng nên tìm hiểu theo các kênh chính thống như website của Sở Xây dựng các tỉnh thành và của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhằm tránh việc bị lợi dụng, cần thiết có thể tham khảo thêm ý kiến tư vấn của Luật sư nếu có thể.

Xin cảm ơn Luật sư!

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm