"Giảm sốt" cho thị trường bất động sản

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 7-05-2021, 11:15 | Thị trường 24h

"Giảm sốt" cho thị trường bất động sản

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: "NHNN đang kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản (BĐS), đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp, và chúng tôi có công cụ trực tiếp, gián tiếp quản lý".

"Chặn sốt đất" bằng giảm tín dụng

Theo thống kê, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau 1 tháng, thậm chí một số nơi tăng từ 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng qua. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp quan trọng là phải kiểm soát chặt tín dụng để thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn.

Năm 2021, do vẫn ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN tiếp tục cho phép áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng ở mức 40% cho đến 30/9/2021 thay vì 30/9/2020. Cùng với đó, NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp trước khó khăn bởi dịch bệnh.


Không ít chuyên gia cho rằng, động thái này của NHNN rất kịp thời và phù hợp trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lĩnh vực có nhiều rủi ro cũng được hưởng lợi, dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ như BĐS và chứng khoán.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất cho vay ngân hàng đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Do thấy tiềm năng từ "lướt sóng" BĐS, bất chấp giá đất tăng, nguồn vốn hẹp, nhiều người vẫn tìm mọi cách để vay vốn từ ngân hàng để đầu tư BĐS.


Vì vậy, nhiều trường hợp, ngân hàng không trực tiếp cho vay BĐS, mà có thể cho vay cá nhân, rồi cá nhân dùng tiền để mua đất hoặc mua chứng khoán. Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý, trong đó có NHNN phải kiểm soát tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu ý kiến: "Tôi kỳ vọng là thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nắn dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn nữa. Như vậy, tín dụng sẽ không còn chảy mạnh vào lĩnh vực rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải phát triển thị trường BĐS và chứng khoán một cách lành mạnh, bởi đây vẫn là kênh đầu tư, đóng góp quan trọng vào huy động vốn, cũng như phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, ngân hàng cần đầu tư vào những dự án minh bạch, chủ đầu tư có nền tảng tài chính vững vàng".


Tại cuộc họp báo quý I mới đây của NHNN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thừa nhận, sự sôi động của thị trường BĐS thời gian qua tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng: "BĐS cũng như chứng khoán là 2 lĩnh vực tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư và giám sát chặt chẽ dòng tiền, kiểm tra kiểm soát cho vay đối với các khoản đầu tư vào lĩnh vực này".

Kỳ vọng nắn dòng vốn đúng hướng

Sau hàng loạt chỉ đạo từ các bộ ngành, địa phương và cảnh báo về việc “siết” tín dụng vào BĐS, nhiều nơi đã có dấu hiệu "dứt" cơn sốt đất, cảnh giao dịch đông đúc, nhộn nhịp gần như biến mất.

Bà Vũ Thị Mai, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bày tỏ: “Hy vọng là Chính phủ cũng như các ban ngành kiềm chế được giá đất, bình ổn giá để người dân có nhu cầu nhà ở thực sự sẽ được mua nhà và vay vốn với lãi suất ưu đãi".


Ông Lê Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho hay: "Ngân hàng An Bình chỉ tập trung cho vay mua nhà để ở, với nguồn thu từ lương hoặc các nguồn thu nhập khác đều đặn hàng tháng của họ. Còn lĩnh vực kinh doanh BĐS sẽ khống chế dưới 8%".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhựa hy vọng “cắt” được “cơn sốt đất” thì tín dụng sẽ chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh. “Nhu cầu vốn sản xuất của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Nhưng do chỉ tiêu tín dụng của ngân hàng được giao hạn chế, nên doanh nghiệp muốn vay nhiều cũng khó. Trong bối cảnh này, thị trường BĐS hạ nhiệt, hy vọng tới đây dòng vốn sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”, ông Bình chia sẻ.


Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, tín dụng đang chuyển hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tính đến ngày 16/4, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020, trong đó dòng vốn chủ yếu chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 2,79% so với cuối năm ngoái, chiếm tới hơn 63% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ với ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 3,42%...


Đặc biệt, NHNN cũng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm sẽ hạn chế vốn đổ vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có BĐS và chứng khoán. Đây cũng là năm đầu tiên, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng theo năm cho các ngân hàng thương mại kèm với việc kiểm soát theo quý.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh: "Quan điểm điều hành tín dụng của NHNN là phải đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế, khuyến khích cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, phải kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông".

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm