Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng hạ tầng tại cảng Cái Mép

| 9-07-2019, 11:26 | Thị trường 24h

Theo đó, đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng hạ tầng tại cảng Cái Mép

Đối với dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ, đây là dự án đã được giao chủ đầu tư - CTCP Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC). Do vậy, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Tập đoàn Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, bồi thường, tái định cư... và quy trình thủ tục đầu tư; đồng thời, tổ chức thẩm định, quyết định các dự án đầu tư theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Được biết, dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ có diện tích đất sử dụng khoảng 86,6 ha, dự kiến tổng mức đầu tư trên 10.235 tỷ đồng, được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thỏa thuận địa điểm và diện tích xây dựng năm 2006.

Đến năm 2008, Cảng Cái Mép Hạ chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch vào nhóm cảng biển số 5. Năm 2011, UBND tỉnh có quyết định giao đất. Dự án dự kiến đón nhận các tàu có tải trọng lên tới 160.000 tấn…  và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2013.

Đến thời điểm hiện tại, đường liên cảng mới được kết nối vào chân công trình dự án. 

Trước đó, phía Hàn Quốc đã đề nghị sẽ cung cấp nguồn vốn để thực hiện nhanh dự án hạ tầng cơ sở đến chân hàng rào khu cảng nhưng UBND tỉnh đã có văn bản hồi đáp rằng đây là dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách, chưa cần đến vốn vay nước ngoài.

 

Được biết, Khu vực Cái Mép – Thị Vải tại Vũng Tàu đang được Chính phủ quy hoạch tới năm 2030 sẽ trở thành khu vực cảng quan trọng nhất cả nước. Khu vực này với vị trí nước sâu có thể đón những tàu chở hàng lớn nhất thế giới, thu hút vốn đầu tư liên doanh của các hãng tàu lớn. Trong vòng 8 năm, sản lượng của khu vực Cái Mép đạt tới 30% tổng lưu vận hàng hóa khu vực phía Nam, tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Theo ông Trương Quốc Thắng (John Truong) - Giám đốc điều hành của Công ty Giao nhận Vận tải hàng Dự án VN Projects, tốc độ phát triển logistics VN vào khoảng 14 – 16% năm. Các doanh nghiệp trong nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào dịch vụ giao nhận, cho thuê bãi, gom hàng lẻ… mà thiếu vắng doanh nghiệp lớn có khả năng điều hành cả chuỗi logistics.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ là yếu tố sống còn đối với một doanh nghiệp logistics, có tác động toàn diện tới mọi lĩnh vực như cơ cấu ngành nghề, cung - cầu của thị trường lao động, hệ thống quản trị sản xuất... Quản trị logistics và chuỗi cung ứng cũng không nằm ngoài sự tác động này. Mặc dù Việt Nam có xuất phát điểm thấp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên vẫn có nhiều tiềm năng trong tương lai để cạnh tranh trong ngành logistics.

 

Hữu Dũng

[i][/i]

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm