Xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội: Ngôi chùa rộng 2ha xây dựng không phép

| 4-02-2021, 15:00 | Thị trường 24h

Thời gian gần đây, Tòa soạn Tài chính Doanh nghiệp liên tục nhận được phản ánh của nhiều người dân ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, phản ánh về việc, mặc dù chưa được cấp phép xây dựng, thế nhưng, chùa Long Hưng vẫn “ngang nhiên” xây dựng và đang dần đi vào hoạt động, với quy mô rộng lớn, lên tới hơn 2ha. Điều lạ là, mặc dù công trình xây dựng không phép, xây dựng tấp nập trong thời gian dài, lại không bị các cơ quan chức năng của huyện Đông Anh xử lý.

Xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội: Ngôi chùa rộng 2ha xây dựng không phép

Chùa Long Hưng nằm tại xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh nhìn từ bên ngoài rất bề thế.


Cũng theo phản ánh, lợi dụng việc xây dựng chùa, một nhóm lợi ích đã thu tiền bất chính, cụ thể, khi người dân có nhu cầu đặt tro cốt của người thân vào chùa, nhà chùa sẽ thu tiền từ 30 triệu đến 120 triệu đồng, tùy từng vị trí đặt.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Phóng viên Tài chính Doanh nghiệp đã mục sở thị tại chùa Long Hưng để xác minh thông tin trên. 

Theo quan sát, chùa Long Hưng được xây dựng rất lớn, vói diện tích khoảng hơn 2ha, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện một số hạng mục để đi vào hoạt động. 

Trong vai người có nhu cầu đặt tro cốt của người thân vào chùa, phóng viên được hai người có tên là Hiển và Minh, phụ trách vấn đề này của chùa tư vấn, nếu gia đình có nhu cầu đặt tro cốt người chết vào chùa, nhà chùa sẽ thu tiền từ 30 đến 40 triệu, 40 đến 50 triệu, 50 đến 60 triệu... đến 120 triệu đồng, có thể cao hơn, tùy từng vị đặt tro cốt. 

Nhiều hạng mục xây dựng đang được nhà chùa gấp rút thực hiện


Theo thông tin có được, phần đất chùa đang xây, một phần thuộc đất nhà chùa quản lý, sử dụng từ trước, phần còn lại là đất công ích, do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý. 

Để xác minh thông tin phản ánh trên, PV đã liên hệ ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc để mong có được câu trả lời khách quan. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, ông Minh liên tục bảo "để sắp xếp" và rồi "bặt vô âm tín".

Được biết, đối với các công trình xây dựng tôn giáo (bao gồm: Chùa, nhà thờ, thánh thất, điện thờ, thánh đường, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, nhà nguyện, tu viện, tượng, đài, bia, tháp, các trường đào tạo riêng của tôn giáo và một số công trình phụ gắn liền với cơ sở tôn giáo) phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ (cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh).

Việc cấp phép xây dựng các công trình tôn giáo thực hiện theo Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (viết tắt là Nghị định 12/CP); Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Một công trình được xây dựng tôn giáo không phép rầm rộ suốt một thời gian dài nhưng không bị xử lý, đồng thời, hành động "né tránh" cung cấp thông tin cho báo chí của lãnh đạo UBND xã Vĩnh Ngọc khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn liệu có hay không chính quyền địa phương đang "thờ ơ" cho sai phạm đang diễn ra?

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm