TP. Hồ Chí Minh: Trụ sở UBND TP. Thủ Đức được chính thức đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 29-01-2021, 02:30 | Thị trường 24h

Cụ thể, Thành ủy thành phố Thủ Đức được bố trí một phần của tòa nhà số 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú (trụ sở quận ủy và UBND quận 9 cũ).


Phần còn lại của tòa nhà sẽ dành bố trí cho các cơ quan đơn vị khác thuộc Thành ủy thành phố Thủ Đức sau khi thành phố này chính thức đi vào hoạt động. Trong tòa nhà này, giữ nguyên diện tích dành cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức.


Trụ sở HĐND và UBND thành phố Thủ Đức được bố trí tại số 168 đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi (trụ sở UBND quận 2 cũ).


Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.


Đây là trụ sở mới được đầu tư xây dựng với cơ sở vật chất hiện đại, tọa lạc gần trung tâm TP.HCM nhất trong ba trụ sở hành chính của các quận cũ. Tại đây có khuôn viên độc lập, có chỗ đậu xe rộng rãi cho người dân liên hệ công tác hoặc tổ chức hội họp với hội trường có sức chứa khoảng 500 người.


Trụ sở của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể của thành phố Thủ Đức được bố trí tại số 43 đường Nguyễn Văn Bá, phường Bình Thọ (trụ sở UBND quận Thủ Đức cũ). Ngoài ra, Ban quản lý đầu tư xây dựng cũng được bố trí làm việc tại địa điểm này.


Ban bồi thường giải phóng mặt bằng được bố trí tại địa chỉ 181 đường Thống Nhất, phường Bình Thọ (trụ sở của Phòng giáo dục - đào tạo quận Thủ Đức cũ), trong khi Thành đoàn thành phố Thủ Đức sẽ đóng tại số 23 đường Bác Ái, phường Bình Thọ.


Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được bố trí tại số 1 đường Tagore, phường Bình Thọ với diện tích hơn 2.200m2.


TP. Hồ Chí Minh: Trụ sở UBND TP. Thủ Đức được chính thức đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi

Trụ sở UBND quận 2 (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi) là nơi làm việc của UBND - HĐND TP Thủ Đức


Đối với bộ phận tiếp công dân, bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính thì vẫn duy trì tại những địa điểm cũ để thuận tiện phục vụ người dân.


Đối các đơn vị sự nghiệp như Trung tâm thể dục thể thao, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Trung tâm văn hóa, các cơ sở y tế, các trường học; Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Nhà thiếu nhi tạm giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi trụ sở.


UBND TP HCM giao UBND quận 2, 9, Thủ Đức và UBND TP Thủ Đức hoàn tất các thủ tục bàn giao, tiếp nhận đầy đủ tài sản, các hồ sơ liên quan các cơ sở nhà, đất nêu trên. UBND TP Thủ Đức sẽ kiểm kê, báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định Nghị định 167.


Chi tiết danh sách 34 phường của thành phố Thủ Đức vừa được thành lập

Với các phương án sắp xếp trên, TP Thủ Đức sẽ có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.


Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm