Bản tin bất động sản sáng ngày 4/7: Sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng

| 4-07-2019, 10:07 | Thị trường 24h

Sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng: Đền không xong, mua chẳng đặng

Chính quyền thành phố Đà Nẵng vừa xác nhận việc thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng với số tiền 1.251 tỷ đồng đã bất thành tại phiên làm việc ngày 2/7/2019. Tuy nhiên, chủ sở hữu các bất động sản chia tách từ sân vận động này cũng không thể thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi giấy tờ pháp lý được cấp lại vi phạm các quy định của luật.

Theo đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ có những phiên làm việc tiếp theo cùng các ngân hàng đang là chủ nợ đất đai tại sân vận động Chi Lăng để tìm tiếng nói chung xử lý ách tắc ở công trình này. Sau gần 10 năm diễn ra giao dịch và va vào pháp lý, sự việc xung quanh sân vận động này đã trở nên nặng nề, mệt mỏi với mọi bên tham gia, và hiện vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý dứt điểm.

Giả nghèo để giành suất nhà ở xã hội?

Kiểm tra tại 2 dự án NƠXH trên địa bàn TP Quy Nhơn là Phú Mỹ - Quy Nhơn và chung cư Long Thịnh, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định phát hiện hàng loạt căn hộ chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn sai quy định.

Bản tin bất động sản sáng ngày 4/7: Sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng

Chung cư Long Thịnh nơi có 50% người có thu nhập thấp đi ô tô

Ông Lê Đăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, cho biết, so với các lần kiểm tra trước, tất cả các thông tin liên quan đến chủ căn hộ, người sử dụng NƠXH đều đã thay đổi. Các trường hợp này đều có dấu hiệu đã chuyển nhượng căn hộ trái quy định về NƠXH. Những giao dịch này không thể thực hiện công khai, không có hợp đồng chuyển nhượng tài sản được chứng thực theo quy định của pháp luật.

Năm 2019, tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh Bình Định kiểm tra dự án NƠXH Phú Mỹ - Quy Nhơn có 205/237 căn chính chủ, 10 căn cho thuê, 18 căn cho mượn và 4 căn chưa tiếp cận. Tại dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp - Cao ốc Long Thịnh có 243/479 căn chính chủ, 68 căn chuyển nhượng, 75 căn cho thuê, 21 căn cho mượn và 72 căn chưa tiếp cận.

Bồi thường tái định cư thấp nên dự án… ì ạch

Hôm qua (3/7), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM có buổi giám sát về chính sách bồi thường, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất làm các dự án tại quận 12 và Thủ Đức.

Theo thị trường, giá đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng đã hơn 80 triệu đồng/m2 nhưng giá bồi thường dự án đường vành đai 2 giai đoạn 3 duyệt giá đất mặt tiền đường này chỉ hơn 44 triệu đồng/m2

Hiện nay tại TP. HCM, rất nhiều dự án chậm tiến độ vì vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), hỗ trợ, TĐC. Nguyên nhân do nhiều chính sách còn bất cập, giá bồi thường thấp, khó khăn trong việc thẩm định giá.

Theo Ban BTGPMB quận Thủ Đức, từ khi thực hiện theo luật đất đai 2013 đến ngày 31-12-2018, trên địa bàn quận có tất cả 19 dự án đang triển khai. Trong đó chỉ có một dự án ngoài ngân sách nhà nước, 18 dự án còn lại đều được đầu tư bằng ngân sách. Đến nay, tất cả dự án này đều chậm triển khai và quá hạn theo luật định. Đa phần các dự án đều vướng ở khâu BTGPMB.

Lãnh đạo Ban BTGPMB quận Thủ Đức cho biết quá trình triển khai bồi thường, địa phương này gặp nhiều vướng mắc do một số quy định không khả thi. Cụ thể, quy định việc ban hành cùng lúc các quyết định thu hồi đất; phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC của từng hộ gia đình trong cùng một ngày.

Thừa Thiên Huế: Đường đê tiền tỷ chưa hoàn thành đã nứt gãy

Công trình 44 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế đang thi công thì xuất hiện nhiều vết nứt, gãy ở trên mặt đường. Điều này khiến nhiều người lo lắng về chất lượng...

Tìm hiểu được biết, “Công trình nâng cấp hệ thống đê sông Đại Giang, tuyến đê Bờ Tả” (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang gây hoang mang về chất lượng dù chỉ mới đang thi công.

Công trình trên thuộc Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, do Ban Quản lý dự án Phát triển Nông thôn các tỉnh miền Trung làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp VN1 (có trụ sở tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) và Công ty cổ phần tư vấn và phát triển tài nguyên nước tư vấn giám sát.

Các taluy 2 bên được thi công sơ sài

Chiều dài công trình khoảng 7km, được khởi công vào quý 3/2017 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2019; với tổng kinh phí 44 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA.

Theo quan sát của PV, những ngày gần đây, đơn vị thi công đang khẩn trương xây dựng các hạng mục để kịp tiến độ. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy mặt đường đê dang dở dài hơn 2km chưa sử dụng đã xuất hiện các vết nứt chằng chịt.

Cao ốc Bạc Liêu Tower xây thời Trịnh Xuân Thanh được giải cứu sau 8 năm bỏ hoang

Sau 8 năm bỏ hoang phí, tòa nhà Bạc Liêu Tower được Trịnh Xuân Thanh cho xây khi là sếp PVC vừa được Công ty TNHH Dịch vụ thương mại - kỹ thuật VP HOME mua đấu giá thành công với tổng số tiền trên 134 tỷ đồng.

Tòa nhà Bạc Liêu Tower xây lúc Trịnh Xuân Thanh còn nắm quyền được giải cứu sau 8 năm bỏ hoang phí

Nguồn tin của PV cho biết, tòa nhà Bạc Liêu Tower (phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vừa được “giải cứu" sau nhiều lần đưa ra bán đấu giá.

Theo đó, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại - kỹ thuật VP HOME (Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, TP. HCM) đã mua đấu giá thành công tòa nhà Bạc Liêu Tower với tổng số tiền trên 134 tỷ đồng.

Sau khi mua được tòa nhà, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại - kỹ thuật VP HOME trả tiền thuê đất cho tỉnh Bạc Liêu từ tháng 4/2019, với số tiền gần 270 triệu đồng/tháng.

 

 

Quốc Trung

[i][/i]

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm