Ninh Hải, Ninh Thuận: Thu hồi đất của dân có hợp lý?

| 3-09-2020, 19:05 | Thị trường 24h

Gần 30 hộ dân, doanh nghiệp bị thu hồi đất sản xuất tôm giống để giao cho doanh nghiệp lớn làm dự án du lịch nghỉ dưỡng.


Thay vì bảo vệ các doanh nghiệp tạo nên thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”, gần đây UBND huyện Ninh Hải, Ninh Thuận đẩy hàng chục doanh nghiệp này đến bờ vực phá sản. Từ “con cưng” được tỉnh chú trọng tạo điều kiện, bỗng dưng các doanh doanh nghiệp thành “con ghẻ” chỉ vì một doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh. Người dân, doanh nghiệp ở đây đang cầu cứu các cơ quan chức năng… cứu xét.

Theo đó, tháng 7/2020, UBND huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận phát hành một loạt thông báo gửi tới các hộ gia đình, doanh nghiệp đang sản xuất tôm giống trên địa bàn xã Tri Hải về việc thu hồi đất, yêu cầu người dân tự tìm nơi khác để chuyển đổi sản xuất.

Theo đó, ngày 23/7/2020, UBND huyện Ninh Hải ban hành thông báo số 237/TB-UBND gửi tới ông Bùi Văn Chẩm để thu hồi 834m2 đất mà ông Chẩm đã thuê và sử dụng vào mục đích sản xuất phi nông nghiệp từ năm 2020. Lý do được thông báo này đưa ra là do hết thời hạn thuê đất mà không được tiếp tục gia hạn thuê đất quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai năm 2013.

Điều thứ 2 trong thông báo này cũng nêu rõ: “Kể từ ngày ban hành thông báo, trong thời hạn 03 tháng đề nghị ông Bùi Văn Chẩm tháo dỡ, di dời tài sản trên đất trả lại đất cho địa phương quản lý theo quy định của Luật Đất đai.

Ninh Hải, Ninh Thuận: Thu hồi đất của dân có hợp lý?

Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm giống tại huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận sắp bị phá sản bởi một thông báo thu hồi đất và không có đền bù thiệt hại.


Ngoài thông báo gửi ông Chẩm, ký thay Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, Phó Chủ tịch Võ Thể cũng ký hàng loạt văn bản tương tự gửi gần 30 hộ dân, doanh nghiệp nhỏ đang sản xuất bình thường ở địa phương để thông báo thu hồi đất của họ.Tự nhiên bị đẩy đến đường cùng, đứng trước nguy cơ phá sản, nhiều doanh nghiệp ở đây mong muốn lãnh đạo địa phương làm đúng pháp luật…

“Trước đây, chính quyền địa phương vận động chúng tôi nuôi trồng thuỷ sản. Chúng tôi được tỉnh tạo điều kiện để phát triển ngành tôm giống. Họ còn cấp sổ đỏ đất để chúng tạo điều kiện cho chúng tôi an tâm nuôi trồng. Công sức chúng tôi bao năm qua mới có thương hiệu Tôm giống Ninh Thuận đứng vị trí số 1 cả nước. Giờ đây, thấy doanh nghiệp lớn ở tỉnh khác về xin làm dự án du lịch, địa phương gạt chúng tôi ra rìa, thu hồi đất, mất nơi sản xuất… Vậy thì làm sao để phát triển và giữ vững thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” như bao năm qua chúng tôi gầy dựng”, một người dân bị thu hồi đất tâm tư.

Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, việc thu hồi đất của hàng chục doanh nghiệp sản xuất tôm giống này chỉ bằng một Thông báo của UBND huyện Ninh Hải, do Phó Chủ tịch ông Nguyễn Thể ký. UBND huyện Ninh Hải không hề có phương án đền bù tài sản, tìm nơi khác để doanh nghiệp tái sản xuất.

Hàng trăm người lao động tại đây có nguy cơ thất nghiệp sau những Thông báo thu hồi đất trên. Để vì lợi ích của một doanh nghiệp lớn mà đẩy hàng chục doanh nghiệp nhỏ xuống vực thẳm là một việc làm đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng là việc làm có nên hay không?

Người dân lao đao đứng trước nguy cơ phá sản vì bị thu hồi đất không được đền bù, hỗ trợ nơi sản xuất mới.


“Họ đang “cõng rắn cắn gà nhà” đó. Chúng tôi những người dân, doanh nghiệp địa phương nhưng chính quyền không ưu tiên. Giờ đây, chúng tôi phá sản thì nhiều lao động thất nghiệp, họ phải làm gì để nuôi sống gia đình? Chúng tôi mong muốn địa phương phải làm đúng pháp luật, đền bù tài sản và tạo điều kiện có nơi để xây dựng cơ sở sản xuất mới”, một chủ doanh nghiệp khác phân trần.

Liên quan đến việc này, PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện Ninh Hải để tìm hiểu về vấn đề nói trên và vẫn đang chờ cơ quan chức năng tỉnh này trả lời.

Vấn đề đặt ra gồm chính sách với những doanh nghiệp được thu hồi đất như thế nào? Dự án mới triển khai có đấu giá hay không? Dân cho biết là thu hồi giao cho doanh nghiệp lớn có đúng không? Đó là doanh nghiệp nào?

Và việc áp dụng Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 vào việc thu hồi đất của dân đang sản xuất kinh doanh ổn định liệu đã chính xác? Bởi Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ “Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp này vẫn sản xuất kinh doanh bình thường, đóng thuế đầy đủ, tạo ra hàng trăm công việc cho người dân và không ai tự nguyện trả lại đất, không có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Và hơn hết, người dân, doanh nghiệp muốn được tiếp tục gia hạn để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm